Sự thật chiến tranh: Cựu tướng Mỹ khuyên “Ukraine nên đàm phán ngay bây giờ”
Chiến sự Ukraine đã bước sang ngày thứ 195. Có một màn sương mù chiến tranh bao trùm “cuộc phản công” của Ukraine ở khu vực miền nam Kherson, nơi Kiev hy vọng giành lại những vùng lãnh thổ đã mất. Điều gì đã khiến một vị tướng Mỹ nói Ukraine nên đàm phán ngay bây giờ trước khi quá muộn…
Nội dung chính
Thực tế phũ phàng
Có điều lạ thường. Bước sang ngày thứ 7 trong cuộc phản công của lực lượng Ukraine, tình báo phương Tây bỗng dưng im bặt.
Bản cập nhật hôm 4/9 của Bộ Quốc phòng Anh chỉ tập trung vào các vấn đề về “tinh thần và kỷ luật”, về khẩu phần ăn khiêm tốn cũng như quân phục của quân đội Nga mà ít đề cập đến thông tin trên chiến trường Kherson của lực lượng Ukraine.
Video: Cựu tướng Mỹ: “Ukraine nên đàm phán ngay bây giờ” – Tin360 News.
Truyền thông của Ukraine và Mỹ cũng vậy. Tất cả hiện ra chỉ là thông tin về những đoàn xe cứu thương quân sự hú còi lao qua các đường phố của thành phố Odessa, các bệnh viện ở vùng Odessa và Nikolai thì tràn ngập binh lính bị thương, và những lời kêu gọi hiến máu công khai một cách kỳ lạ của chính quyền Kyiv.
Tờ Washington Post cho biết, quân đội Ukraine thông báo trên truyền hình cần khẩn cấp nguồn máu nhóm B, và tất cả người dân, bao gồm cả các thành viên quân đội đã đi hiến máu như một biểu hiện của lòng biết ơn đối với lực lượng vũ trang nước này.
Tờ này cũng cho biết, “việc Nga chiếm được Odessa sẽ chia cắt toàn bộ Ukraine khỏi phần còn lại của Biển Đen, và quân đội Ukraine đã tiến hành các cuộc phản công quyết liệt để ngăn chặn lực lượng Nga”.
Tại Transcarpathia ở miền tây Ukraine, nơi Lữ đoàn sơn cước 128 thiện chiến của Ukraine được tái triển khai tới mặt trận Kherson, đã tuyên bố để tang một ngày để tưởng nhớ những người lính dũng cảm đã hy sinh.
Có điều gì kỳ lạ khi chính quyền Tổng thống Zelensky gọi cuộc phản công của nước này là một “hoạt động có phương pháp” nhằm làm suy yếu lực lượng Nga ở phía nam, hơn là cuộc phản công giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ.
Truyền thông dòng chính Mỹ cũng tuyên bố một cách mơ hồ rằng, Ukraine đang đạt được “lợi ích về mặt chiến thuật”, và đang chuẩn bị “cho một trận chiến lâu dài và cam go trước khi mùa đông bắt đầu… “
Tờ Politico nhấn mạnh rằng, “Một chiến thắng như vậy sẽ cho các đồng minh phương Tây của Ukraine thấy rằng, họ đã đúng khi tiếp tục gửi hàng tỷ đô la vũ khí và vật tư để giúp Ukraine chống lại người Nga.”
Nhưng mấu chốt của vấn đề ở đây là, nguồn vũ khí từ các nước châu Âu cho Ukraine hầu như đã cạn kiệt, và xu hướng này cũng tương tự đối với nguồn cung của Mỹ.
Mỹ và châu Âu cạn kiệt vũ khí
Có một thực tế là, Ukraine hiện phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ quân sự lẫn tài chính của Mỹ và đồng minh để kháng cự lại Nga. Việc chậm giao vũ khí ngày nào, thì quân đội Ukraine càng dễ bị tổn thương trước hoả lực của Nga ngày ấy.
Gần đây nhất vào ngày 24/8, Tổng thống Biden đã công bố gói viện trợ vũ khí mới nhất cho Ukraine trị giá 2,98 tỷ USD, và bày tỏ hy vọng các loại vũ khí này sẽ giúp Ukraine “có thể tiếp tục tự vệ về lâu dài”.
Vì sao Tổng thống Biden nhấn mạnh gói viện trợ này là để Ukraine tự vệ lâu dài? Cần lưu ý là trong xung đột, thời gian là yếu tố quyết định sự sống còn, đặc biệt vào thời điểm quân đội Ukraine đang phản công và rất cần vũ khí.
Câu trả lời là: Gói vũ khí này hoàn toàn khác về cơ chế phân phối. Trong khi các gói viện trợ vũ khí trước đó đều được lấy từ các kho dự trữ vũ khí hiện có của Mỹ, thì lần này gói viện trợ 2,98 tỷ USD sẽ được đặt hàng từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ.
Theo Mark Cancian, Cố vấn cao cấp của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) cho biết, gói 2,98 tỷ đô la mới nhất này “sẽ giúp duy trì quân đội Ukraine về lâu dài nhưng phải mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm… Vì vậy, (gói viện trợ này) sẽ duy trì lực lượng Ukraine trong dài hạn, thay vì trong thời gian gần hoặc trung hạn…”
Chính quyền Biden cũng đang yêu cầu Quốc hội phê duyệt khoản viện trợ 11,7 tỷ USD khác cho Ukraine, nhưng khó có khả năng được thông qua vào hạn chót là ngày 1 tháng 10 tới.
Vì sao Nhà Trắng lại muốn thêm gói viện trợ khổng lồ bất thường này? Hẳn nhiên bề ngoài là để hỗ trợ quân đội Ukraine đang cạn kiệt vũ khí.
Tuy nhiên, điều quan trọng là trong số 11,7 tỷ USD mà Nhà Trắng yêu cầu, thì có tới 4,5 tỷ USD sẽ dùng để bổ sung kho dự trữ đã cạn kiệt của Lầu Năm Góc, 4,5 tỷ USD để hỗ trợ ngân sách cho chính phủ Ukraine, và chỉ có 2,7 tỷ USD cho viện trợ quốc phòng và tình báo.
Thực tế là, chỉ có tổ hợp công nghiệp sản xuất vũ khí Mỹ là vui mừng trước thông báo gói viện trợ này của Nhà Trắng hơn là chính quyền Tổng thống Zelensky.
Như vậy có thể thấy, chính quyền Biden đã lấy số tiền viện trợ cho Ukraine để bổ sung cho kho vũ khí của Mỹ đang thiếu hụt nghiêm trọng. Đây cũng là tình huống mà các đồng minh châu Âu đang phải đối mặt.
Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức hồi tháng 8 cũng cho biết, “Nguồn hỗ trợ quốc tế mới dành cho Ukraine đã cạn kiệt vào tháng Bảy. Không một cường quốc châu Âu nào như Đức, Pháp hay Ý cam kết viện trợ cho Ukraine”.
Rõ ràng, tình thế của Ukraine khá bấp bênh khi Tổng thống Zelensky cần thuyết phục Mỹ rằng, viện trợ quân sự là cực kỳ thiết yếu. Ít nhất, đối với chính quyền Kyiv lúc này, một chiến thắng là cần thiết để Mỹ tiếp tục duy trì nguồn viện trợ liên tục.
Do đó, Ukraine phải giành được phần lãnh thổ chiến lược phía Nam là mặt trận Kherson, trong khi Nga đang gần như hoàn toàn kiểm soát phía đông là Donbass.
Việc Mỹ công bố gói viện trợ khổng lồ cũng trùng khớp với giọng điệu lạc quan của tình báo Anh để nhằm đánh lạc hướng về một cuộc phản công thất bại của Ukraine, cũng như che giấu một thực tế trần trụi được chia sẻ trong các tuyên bố chính thức của Bộ quốc Nga.
Chương bi thảm trong chiến tranh
Các báo cáo của Nga lại nói rằng “cuộc phản công” hầu như đã bị bóp nghẹt và các lực lượng Ukraine đã phải gánh chịu thương vong nặng nề lên tới hàng nghìn người. Đó dường như là một kịch bản của ngày tận thế và quá bi thảm.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, tướng Igor Konashenkov cho biết Ukraine tổn thất hơn 1.200 quân chỉ trong một ngày phản công ở thành phố Mykolaiv và một số khu vực khác cùng thuộc miền nam, miền trung Ukraine.
Trong vòng 24 giờ, Nga đã loại khỏi vòng chiến đấu 48 xe tăng, 46 xe chiến đấu bộ binh, 37 xe bọc thép, 8 xe bán tải của Ukraine.
Điểm đột phá thành công duy nhất của Ukraine là tại một đầu cầu bắc qua sông Ingulets hôm 3/9. Tuy nhiên chính tại vị trí này, quân đội Ukraine có khả năng đã bị mắc kẹt khi các tuyến đường thuỷ trên sông Ingulets đã bị Nga cắt đứt, khiến lực lượng Ukraine bị cô lập không được tiếp viện hoặc hỗ trợ hậu cần.
Cuộc phản công của Ukraine đã thất thế, mà hậu quả thảm khốc hơn là giờ đây chiến tuyến đã bị mở rộng tới ranh giới của thành phố Mykolai. Mykolai được cho là thành trì vô cùng quan trọng, là tuyến đường nối thẳng tới thành phố cảng biển Odessa cách đó chỉ có 97 km.
Mất Odessa là Ukraine mất luôn vị trí của một quốc gia ven biển. Để mất Odessa không chỉ là thảm họa về mặt quân sự với Ukraine, mà còn là đòn giáng nặng nề vào nền kinh tế của nước này.
Odessa được ví như “hòn ngọc Biển Đen”, có tầm quan trọng lớn về kinh tế và quân sự với Ukraine cũng như lực lượng Nga. Odessa nằm án ngữ bờ Biển Đen, nằm rất gần các đô thị mà lực lượng Nga kiểm soát ở miền nam Ukraine.
Vì sao Tổng thống Zelensky quyết tâm giành lại bằng được Kherson, bất chấp cuộc phản công đã bị đánh đổi bằng nhiều binh sĩ phải ngã xuống? Câu trả lời là: Bởi vì Kherson chỉ cách Odessa khoảng 145 km.
Ngay từ tháng 3, lực lượng Nga ở Kherson đã tìm cách kiểm soát Odessa. Tuy nhiên, các mũi tấn công của Nga đã vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân đội Ukraine ở ngoại ô Kherson và thành phố Mykolaiv. Thị trưởng Mykolaiv Oleksandr Senkevych cho hay, thành phố của ông là “bức tường thành trọng yếu” ngăn Odessa và miền nam Ukraine thất thủ.
Số phận của Odessa thậm chí có tác động vượt khỏi biên giới Ukraine, ảnh hưởng tới quốc gia láng giềng là Moldova. Nhiều người lo ngại rằng Odessa có thể trở thành “cầu nối” giữa các lực lượng Nga kiểm soát khu vực đông nam Ukraine với phe ly khai thân Nga ở vùng Transnistria thuộc Moldova.
Vì vậy Tổng thống Zelensky sẽ không thể để mất Odessa và Kiev cần một chiến thắng để có được sự ủng hộ lâu dài từ Mỹ và EU. Chính quyền Kiev hy vọng có thể đảo ngược tình thế với sự hỗ trợ thông tin tình báo và vũ khí của phương Tây, bất chấp bị tổn thất nặng nề trong cuộc phản công tại Kherson.
Vì vậy, một cuộc tấn công- phòng thủ đánh đổi bằng máu xương khốc liệt của cả hai phía: Nga và Ukraine được cho là sẽ tập trung tại mặt trận Odessa.
Trong bối cảnh u ám này, châu Âu đã lộ rõ sự mệt mỏi trong khi ngày càng có nhiều sự hoài nghi ở Mỹ về chính sách của chính quyền Joe Biden.
Ukraine nên đàm phán càng sớm càng tốt
Trước một chiến trường bế tắc như hiện nay, một vị tướng của Lầu Năm Góc nghỉ hưu đã đưa ra lời kêu gọi Ukraine khẩn trương ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến kéo dài hơn 6 tháng hiện nay.
Chuẩn tướng Mark Kimmitt, từng là Lữ đoàn trưởng chỉ huy các chiến dịch quân sự của Lực lượng Hoa Kỳ tại Iraq dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush, đã cảnh báo trên tờ Wall Street Journal rằng, chính sách tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine chỉ dẫn đến thương vong nhiều hơn.
Ông giải thích rằng, các vũ khí “cũ hơn và kém tiên tiến hơn” chiếm phần lớn trong lô hàng viện trợ cho Ukraine. Điều đó chứng tỏ rằng, “tỷ lệ tiêu thụ trên chiến trường Ukraine đã vượt quá khả năng sản xuất đến mức lượng vũ khí trong kho dự trữ của NATO gần như đã cạn kiệt“.
Tướng Kimmitt lập luận rằng khi “nguồn dự trữ vũ khí tiên tiến hàng đầu” của NATO được trưng dụng tại Ukraine, chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc xung đột kéo dài. Và một cuộc chiến kéo dài hơn sẽ dẫn đến “nhiều áp lực hơn từ các quốc gia ủng hộ Ukraine khi phải đối phó với lạm phát gia tăng và khủng hoảng khí đốt”.
Tướng Kimmitt đã thẳng thắn vạch ra các nguy cơ trong việc tiếp tế lô vũ khí hiện đại còn lại trong kho dự trữ vũ khí của Mỹ và NATO cho người Ukraine.
Nhưng điều này cũng tạo ra nguy hiểm leo thang xung đột, với việc chính quyền Kyiv có thể bắn các tên lửa tầm xa nhắm tới Crimea hay thậm chí vào sâu trong lãnh thổ Nga, khi gần đây tổng thống Zelensky đã tuyên bố muốn “giải phóng” Crimea.
Tướng Kimmitt đã đưa ra một lựa chọn cuối cùng mà ông thừa nhận rằng, không ai trong chính quyền Biden, bao gồm cả chính phủ Zelensky sẽ nghiêm túc thực hiện.
Đó chính là theo đuổi con đường đàm phán mà Ukraine cần khẩn trương thúc đẩy “một giải pháp ngoại giao tạm thời mà không (hoặc kèm theo) nhượng bộ lãnh thổ.”
Vị cựu chuẩn tướng này thừa nhận: “Có rất ít động lực để các bên đàm phán” vào lúc này, nhưng Tổng thống Zelensky “phải nhận ra rằng việc viện trợ giảm dần sẽ có tác động tai hại đối với quân đội của ông, không chỉ trên chiến trường mà còn tới dư luận người dân trong nước” .
Theo tướng Kimmitt, để “bắt đầu một giải pháp ngoại giao sẽ rất khó chịu, và có lẽ bị coi là bên bại trận… Nhưng đàm phán ngay bây giờ có lẽ tốt hơn là sau này”.
Lý do nào để cựu chuẩn tướng Kimmitt đưa ra nhận xét này?
Có lẽ diễn biến thực tế trên chiến trường đã phần nào cho thấy Ukraine đang dần đánh mất sự trù phú của chính mình, khi nhiều lần bỏ lỡ các cuộc đàm phán với Nga để đổi lấy hoà bình ngay từ hồi tháng 3.
Ukraine mất đi sự giàu có như thế nào?
Ngày 24/2, quân đội Nga vượt biên giới sang Ukraine mở màn chiến dịch quân sự đặc biệt, với lý do là nhằm giúp đỡ hai khu vực ly khai Donetsk và Luhansk trong việc “đẩy lùi các hành động gây hấn” từ phía quân đội Ukraine ở miền đông nước này.
Hơn 6 tháng sau, Ukraine đối diện với nguy cơ chỉ còn là một vùng đất hạn hẹp, và trở thành một quốc gia nông nghiệp khi mất các cảng biển và bị phi quân sự hoá khó có thể trở thành mối đe dọa cho nước Nga sau này.
Nhìn vào bản đồ bên dưới này, Ukraine đã mất quyền kiểm soát ở các khu vực màu hồng và màu vàng. Đây cũng là nơi chứa các mỏ quặng sắt có giá trị và hệ thống các nhà máy công nghiệp nằm ở phía tây sông Dnepr.
Rõ ràng sau hơn 6 tháng chiến tranh, Ukraine đã trở thành một quốc gia nghèo nàn và phi công nghiệp hoá, bởi gần như các nguồn tài nguyên và ngành công nghiệp của nước này đều ở phía nam và phía đông, nơi mà người Nga đang kiểm soát.
Cần lưu ý là phía nam và phía đông Ukraine cũng bao gồm hầu hết các khu vực đất đen nổi tiếng, với lớp mùn sâu nửa mét rất hữu ích cho việc phát triển nông nghiệp mà không cần sử dụng nhiều phân bón.
Phần lớn các ngành công nghiệp nặng, bao gồm các nhà máy thép đều đặt ở miền nam và miền đông. Chính tờ Washington Post cũng phải thừa nhận, rằng “cuộc chiến tại Ukraine là một cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát các khu vực giàu năng lượng và khoáng sản”.
Tờ này viết: “Sau gần 6 tháng giao tranh, cuộc chiến cẩu thả của Moscow đã mang lại ít nhất một phần thưởng lớn: Đó là mở rộng quyền kiểm soát đối với một số vùng đất giàu khoáng sản nhất ở châu Âu.
“Ukraine sở hữu trữ lượng quặng titan và sắt lớn nhất thế giới, các mỏ lithium chưa được khai thác, cũng như các mỏ than khổng lồ trị giá hàng chục nghìn tỷ đô la”.
Kịch bản tồi tệ nhất là Ukraine đã mất quyền kiểm soát với các phần lãnh thổ đầy tiềm năng ở phía đông và nam, bởi theo phân tích của công ty quản lý rủi ro địa chính trị SecDev của Canada thì “ít nhất 12,4 nghìn tỷ USD từ các mỏ năng lượng, kim loại và khoáng sản của Ukraine hiện đang nằm trong tầm kiểm soát của Nga. Ngoài 63% mỏ than của đất nước, Moscow còn chiếm giữ 11% mỏ dầu, 20% mỏ khí đốt tự nhiên, 42% kim loại, 33% mỏ đất hiếm và các khoáng chất quan trọng khác bao gồm cả liti.”
Nghĩa là Nga đang kiểm soát tới 75-80% GDP của Ukraine trước chiến tranh.
Rõ ràng, nỗ lực mở rộng lãnh thổ do Nga kiểm soát được thúc đẩy bởi chính Mỹ và đồng minh. Hệ quả là sau 6 tháng Ukraine đang bị mất đất nhiều hơn.
Lưu ý là vào cuối tháng 3, các cuộc đàm phán về ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ gần như đã đạt được thỏa thuận.
Tuy nhiên sau đó Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đột ngột xuất hiện tại Kyiv, mang đến hai thông điệp cho chính quyền Tổng thống Zelensky. Đó là: Không được thương lượng với Putin và Zelensky phải tiếp tục cuộc chiến.
Ba ngày sau khi Thủ tướng Anh rời Kyiv, tổng thống Putin đã công khai nói rằng các cuộc đàm phán với Ukraine “đã đi vào ngõ cụt”.
Một thỏa thuận đàm phán hoà bình với Nga vào thời điểm đó, sẽ giúp Ukraine giữ được toàn vẹn lãnh thổ và bảo tồn được lực lượng chiến đấu, trong khi chỉ chịu tổn thất nhỏ ở một phần khu vực Donbass là Donetsk và Luhansk.
Nhưng Tổng thống Zelensky đã quyết định tiếp tục cuộc chiến vô vọng, đồng nghĩa chấm dứt mọi cơ hội để bản đồ Ukraine trở về trạng thái ban đầu.
Chủ nghĩa toàn muốn một nước Nga suy yếu
Như vậy sau hơn 190 ngày giao tranh, có thể nói Nga đã gần đạt được “mục tiêu” với kiểm soát tới 90% khu vực Donbass, phong tỏa hoàn toàn tuyến đường ra biển Azov của Ukraine, và tiến tới khả năng biến Ukraine thành một quốc gia không giáp biển nếu kiểm soát được thành phố cảng Odessa.
Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu trên, lực lượng Nga cũng đã phải chịu tổn thất về nhân mạng, khí tài…, cũng như phải trả một cái giá quá đắt với hàng nghìn lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh.
- Nga tổn thất 5.000 – 10.000 binh sĩ
Có quá nhiều thông tin từ cả phía Nga và Ukraine và mọi thông số đều nhiễu loạn và chỉ là ước tính. Tuy nhiên, các dữ liệu đưa ra cũng phản ánh phần nào chiến sự tại Ukraine quả là khốc liệt.
Tìm kiếm qua Google, có thể thấy truyền thông dòng chính phương Tây như Nationalreview; Forbes, Theguardian, Euronews, Wall Street Jounal đã đưa ra rất nhiều con số về binh sĩ Nga thiệt mạng, dao động từ 10.000 cho đến 80.000 người.
Tuy nhiên tính đến ngày 12/8 (tức gần 6 tháng giao tranh), hãng truyền thông độc lập của Nga là Moscow Times thống kê có hơn 5.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng ở Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến.
Con số này cao hơn gấp 3 lần so với con số do Bộ Quốc phòng Nga công bố hồi cuối tháng 3 là 1.744 binh sĩ.
Nếu chiến sự ngày càng leo thang và kéo dài (ví dụ trong 12 tháng), thiệt hại của Nga có thể lên tới bao nhiêu người? Có thể khoảng 10.000 binh sĩ (con số này cũng chỉ là giả định).
Nga cũng chi tiêu số tiền kỷ lục 300 triệu đô la/ngày cho chiến trường Ukraine, tăng hơn gấp đôi chi tiêu quốc phòng trước khi xung đột bùng nổ.
2. Nga hứng chịu 11.000 lệnh trừng phạt
Cho tới nay, Nga là quốc gia phải hứng chịu số lệnh trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, với gần 11.000 lệnh tính đến ngày 31/8. Các biện pháp trừng phạt cũng đang gia tăng từng ngày, bao trùm mọi lĩnh vực tài chính, năng lượng, giao thông, thương mại, y tế, văn hóa, thể thao…
Thêm nữa, cuộc xung đột tại Ukraine không còn phải là giữa Nga và quốc gia láng giềng nữa, mà là giữa Nga với NATO, EU do Mỹ đứng đầu theo cách của một “cuộc chiến tranh ủy nhiệm”.
Có thể nói, Nga đang phải căng sức đấu lại với một ‘tập thể phương Tây’ đang áp dụng “học thuyết” tẩy chay trên mọi mặt chính trị – kinh tế – quân sự theo tinh thần của Chủ nghĩa toàn cầu.
NATO mở rộng liên minh tiến sát tới biên giới Nga với việc gợi mở Ukraine gia nhập khối. Để bảo vệ an ninh quốc gia, Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine nhằm phi quân sự, phi phát xít hoá tại nước này.
Việc Nga tấn công Ukraine là hoàn toàn sai theo Công ước quốc tế, dù biện minh bằng bất cứ lý do nào.
Tuy nhiên, NATO chính là bên kích động chiến tranh. Phải chăng khối này cùng với chính quyền Joe Biden đang phục vụ cho các chương trình nghị sự của Chủ nghĩa Toàn cầu, khi kích động thêm nhiều điểm nóng bất ổn để trục lợi bằng các thương vụ vũ khí.
Nhưng có một điều chắc chắn không thể phủ nhận, là hai dân tộc Nga và Ukraine có mối quan hệ huynh đệ lâu đời. Ukraine là vùng lân cận của Nga, trong khi cách Mỹ tới hơn 10.000 cây số.
Cuộc chiến này sẽ không phân định rõ người thắng kẻ thua khi tổn thất nhân mạng của cả hai bên thật là khủng khiếp. Nếu xung đột tiếp tục leo thang, liệu Thế chiến Thứ ba có xảy ra và ai đang được hưởng lợi?