Châu Âu phũ phàng quay lưng với Ukraine
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy cả cử tri châu Âu và giới tinh hoa EU đều mất hứng thú với việc ủng hộ chính quyền Kiev. Giọng điệu của truyền thông châu Âu cũng đang dần thay đổi. Có vẻ như ở châu Âu, người ta bắt đầu tự hỏi ai đã khiến châu lục này ra nông nỗi? Là Putin hay là Joe Biden?
Chỉ vài tuần trước, các phương tiện truyền thông châu Âu vẫn tràn ngập các báo cáo hấp dẫn, rằng quân đội Ukraine sắp chiếm Kherson, rằng cuộc tấn công đang tiến tới thành công, rằng quân đội Nga đang phải rút lui trong vô vọng,..vv.vv.
Nhưng bức tranh đang thay đổi nhanh chóng. Kherson không còn là địa danh được đề cập đến nhiều nữa, và thậm chí trở nên hiếm hoi trên các bản tin tại châu Âu.
Từ đây một phản ứng kỳ lạ ở châu Âu đang hiện rõ, khi Ý bắt đầu đóng băng việc gửi một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine. Trong khi Đức tỏ ra miễn cưỡng giúp Kiev vừa đủ để không làm tổn hại đến lợi ích của chính họ, vừa giảm tải áp lực trước sức ép của Mỹ và Ukraine.
Trước đó, vào tháng 9, mối quan hệ giữa Ukraine với Đức đã trở nên xấu đi nghiêm trọng, khi chính quyền Kiev giận dữ trước việc Berlin từ chối cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine mà trước đó Đức đã từng hứa.
Một tháng sau, vào ngày 25/10, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia, Artis Pabriks đã không ngần ngại hỏi thẳng thừng rằng: “Chúng ta có thể tin tưởng Đức không?”, khi chính quyền Thủ tướng Scholz tiếp tục chậm chạp trong việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Trong khi đó Pháp từng hứa sẽ giúp đào tạo cho quân đội Ukraine, nhưng giờ đây chính quyền Tổng thống Macron lại đang bận rộn hơn với các công việc trong nước.
Thật không may cho Tổng thống Zelensky, nước Pháp bỗng nhiên phải giải quyết những vấn đề liên quan đến giáo viên và nhân viên y tế tại các bệnh viện nhi, khi Tổng thống Macron buộc phải chi 400 triệu euro, nhưng dường như vẫn chưa làm hài lòng 4.000 nhân viên bệnh viện trên khắp nước Pháp.
Nguyên nhân vì sao? Là vì người dân Pháp bất bình khi cho rằng, chính quyền Macron sẵn sàng chi tiêu tùy thích cho các hoạt động quân sự, trong khi không quan tâm đến sức khoẻ của các thế hệ tương lai nước Pháp.
Báo chí cũng bắt đầu đề cập đến vấn đề này. Ví dụ, tờ France soir hôm 2/11 đặt câu hỏi rằng: Làm thế nào mà một quốc gia tham nhũng như Ukraine lại nhận được hỗ trợ tài chính hàng tỷ đô la “mà không có bất kỳ sự kiểm soát hiệu quả nào đối với việc ai nhận được số tiền này và nó được chi vào những việc gì”.
Bài báo cũng nhấn mạnh rằng, “phương Tây đã bị “bịt mắt bởi dự án gây bất ổn cho Nga nhân danh NATO, và sẵn sàng hy sinh toàn bộ quốc gia”.
Số phận nghiệt ngã đã biến Ukraine trở thành con bài để quan chức châu Âu đánh cược. Như một con bạc khát nước, châu Âu càng thua thì đánh cược càng nhiều hơn.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã cung cấp nhiều tiền hơn, nhiều vũ khí hơn, nhiều cố vấn quân sự hơn, và nhiều lính đánh thuê hơn cho Ukraine. Nhưng được bao lâu mới là điều quan trọng, ngay cả các quốc gia ủng hộ chiến tranh nhất tại châu Âu cũng có lúc phải cạn kiệt tiền.
Vài tuần trở lại đây, phương Tây đã lên tiếng rằng cuộc xung đột tại Ukraine đã diễn ra quá đủ thời gian, và cần được giải quyết thông qua các con đường ngoại giao.
Ngay tại nước Mỹ, những tiếng nói đàm phán ngừng chiến cũng bắt đầu vang vọng, khi vào ngày 31/10, tờ Foreign Affairs giật tít: “Chiến tranh Ukraine sẽ kết thúc với các cuộc đàm phán”.
Vì sao châu Âu lại thay đổi như vậy? Đơn giản, khi trời trở lạnh, bùn sẽ đóng băng, các loại xe tăng và phương tiện giao thông của Nga có thể di chuyển trên chiến trường một cách dễ dàng. Lực lượng Ukraine sẽ tiếp tục cuộc chiến thế nào là một câu hỏi lớn, khi EU bất lực chứng kiến tên lửa và UAV của Nga phá hủy dần cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Đối với các quốc gia Tây Âu, sau một tháng 10 vô cùng ấm áp hầu như không cần nhu cầu sưởi ấm, thì tháng 11 này chắc chắn thời tiết sẽ lạnh giá.
Các quan chức châu Âu vẫn chưa có các biện pháp hữu dụng nào để đối phó với nguồn năng lượng hạn chế, cũng như đối mặt với một nền kinh tế đang ngấp nghé bờ vực sụp đổ. Nghĩa là làm thế nào để châu Âu giảm lạm phát và phục hồi nền kinh tế, trong khi vẫn phải đèo bồng gánh nặng dai dẳng mang tên Ukraine?
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là bước sang năm 2023, nhưng chính quyền Tổng thống Zelensky đang yêu cầu 38 tỷ euro tiền viện trợ để duy trì nguồn lực nhằm “giành chiến thắng trước người Nga”. Đấy chỉ là kỳ vọng của chính quyền Kiev, còn thực hiện như thế nào thì chưa ai biết được.
Có điều chi phí này sẽ do ai chi trả? Liệu châu Âu vẫn còn tin vào ảo ảnh một Ukraine sẽ buộc Nga phải chịu thất bại?
Mỹ, EU, Anh đổ hơn 70 tỷ Euro, nghi ngờ vẫn gia tăng
Theo cuộc thăm dò, 92% người Hungary ủng hộ giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng tại 3 cường hàng đầu châu Âu là Ý, Pháp và Đức, không ai dám thực hiện một cuộc khảo sát thực tế như vậy.
Nhưng người dân châu Âu thực tế hơn nhiều so với các nhà lãnh đạo của họ. Hàng loạt các cuộc biểu tình đã nổ ra vào tháng 9 và trong suốt cả tháng 10 ở Ý, Cộng hòa Séc, Pháp, Đức và Moldova, để chống lại việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine và yêu cầu gỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Nga.
Người dân biểu tình tại châu Âu cũng bày tỏ sự không hài lòng với các hành động của giới lãnh đạo nước họ, và tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ đi.
Chính trị gia Florian Filippo, người dẫn đầu cuộc biểu tình ở Paris, bày tỏ như sau:
“Tôi ngày càng thấy nhiều bằng chứng cho thấy Mỹ đứng sau những gì đang diễn ra… Mỹ đã gài bẫy, mục đích là sự chia cắt cuối cùng giữa Nga và châu Âu.
Chúng tôi đã kết nối với người Nga về mặt kinh tế, địa chính trị. Lợi ích của chúng tôi là giữ vững mối liên hệ này, nhưng người Mỹ (chính quyền Joe Biden) thì ngược lại, đang phá hủy nó.
Họ đã sử dụng Ukraine, và bây giờ chúng tôi sẽ rất khó cải thiện quan hệ với Nga… Chúng tôi đã đẩy người Nga vào vòng tay của Trung Quốc. Kết quả sẽ là sự sụp đổ kinh tế, công nghiệp, năng lượng và xã hội của chúng ta. Ai sẽ được hưởng lợi từ việc này? Chỉ có Mỹ”.
Có lẽ nền kinh tế suy sụp lại là cơ hội tốt để buộc các quan chức thiếu lý trí của châu Âu phải xem xét lại đường lối mà họ đã chọn. Cuộc suy thoái thực sự ở châu Âu chỉ mới bắt đầu, và điều gì sẽ xảy ra khi nó bắt đầu suy thoái một cách nghiêm túc.
Khi ấy không phải hàng chục nghìn người như bây giờ, mà là hàng triệu người xuống đường yêu cầu hòa bình và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga, và đây chính là lúc mà giới chức Brussel buộc phải tỉnh táo.
Các chuyên gia nhận định, nợ của Ukraine có thể tăng gấp đôi vào năm tới lên 100% GDP. Quan trọng hơn, ngày càng ít người tin rằng Ukraine sẽ hoàn trả thậm chí chỉ một phần các khoản vay ngoài viện trợ.
Chính quyền Kiev đang sở hữu một cái túi không đáy, liên tiếp đòi hỏi Mỹ và châu Âu cung cấp hàng tỉ tỉ thứ. Vậy ai đang cho và cho Ukraine bao nhiêu tiền?
Lưu ý là các khoản viện trợ gửi tới Ukraine được chia thành ba phần. Quan trọng nhất là các chuyến hàng vũ khí, nếu không có nó thì chiến tranh đã kết thúc từ lâu. Sau đó là viện trợ vật chất cụ thể và cuối cùng là viện trợ nhân đạo.
Tổ chức theo dõi Hỗ trợ Ukraine, một trang web do Viện Kinh tế Thế giới Kiel thiết lập để theo dõi các dòng viện trợ, gần đây đã công bố bảng phân tích viện trợ trong khoảng thời gian từ ngày 24/1 đến ngày 3/10 cho thấy:
Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất với 52 tỷ euro, EU đứng thứ hai với 16 tỷ euro. Tiếp theo là Anh với 6,7 tỷ euro, đứng thứ 4 là Đức với 3,3 tỷ euro và Canada xếp hạng 5 với 3 tỷ euro.
Tuy nhiên, dữ liệu chi tiết hơn cho thấy, chính quyền Biden tập trung vào việc kích động chiến tranh hơn là nhân đạo, khi số tiền cung cấp vũ khí chiếm tới 27,6 tỷ euro, trong khi viện trợ vật chất và nhân đạo chỉ có 15,2 tỷ euro.
Ngược lại, EU cung cấp 12,3 tỷ euro hỗ trợ tài chính và chỉ có gần 4 tỷ euro là viện trợ vũ khí.
Có thể bạn quan tâm: