Những diễn biến phản ánh rõ nét một thế giới đầy biến động và tái định hình sau nhiều cú sốc địa chính trị. Trong khi Ukraine chủ động mở cửa thu hút đầu tư quốc tế để tái thiết và hội nhập châu Âu, thì nhiều khu vực khác tiếp tục căng thẳng với các hành động quân sự, đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu – từ Biển Đông, bán đảo Triều Tiên cho đến khu vực Nam Á

Ukraine phê chuẩn thỏa thuận khoáng sản với Mỹ, mở đường cho đầu tư tái thiết quy mô lớn

Ngày 8/5/2025, Quốc hội Ukraine đã chính thức thông qua thỏa thuận hợp tác khai thác khoáng sản giữa Kyiv và Washington, được hai bên ký kết vào ngày 30/4 vừa qua. Văn kiện này được đánh giá là mang tính chiến lược và cùng có lợi, tạo nền tảng cho các hoạt động đầu tư quy mô lớn vào Ukraine trong giai đoạn hậu xung đột.

Theo nội dung thỏa thuận, hai nước sẽ thành lập một quỹ đầu tư chung, nhằm hỗ trợ tiến trình tái thiết hạ tầng và phát triển kinh tế tại Ukraine. Tổng vốn dự kiến cho kế hoạch tái thiết này có thể vượt mốc 500 tỷ USD trong những năm tới.

Chính quyền Kyiv hoan nghênh thỏa thuận, khẳng định văn bản hoàn toàn tuân thủ Hiến pháp, đảm bảo chủ quyền quốc gia về tài nguyên khoáng sản, đồng thời thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng vào châu Âu – mục tiêu lâu dài của Ukraine.

Việc phê chuẩn thỏa thuận cũng cho thấy nỗ lực của Ukraine trong việc thu hút nguồn vốn quốc tế phục vụ tái thiết đất nước, đồng thời khẳng định cam kết của Mỹ trong vai trò đối tác kinh tế – chiến lược chủ chốt trong giai đoạn mới.

Nga bị tố vi phạm lệnh ngừng bắn khi tiếp tục không kích Ukraina

Lệnh ngừng bắn ba ngày do Nga đơn phương tuyên bố bắt đầu từ nửa đêm 7/5 qua ngày 08/05/2025 , nhưng phía Ukraina cáo buộc Moscow vẫn tấn công bằng bom chính xác vào khu dân cư ở Bilopillia (Sumy). Ngoài ra, các khu vực Donbass và Kharkiv cũng ghi nhận các vi phạm ngừng bắn.

Dù vậy, Không quân Ukraina xác nhận từ 21h hôm qua đến 5h sáng nay không phát hiện tên lửa hay drone nào trong không phận. Kyiv cho rằng lệnh ngừng bắn của Nga là chiêu trò tuyên truyền và tiếp tục kêu gọi đình chiến 30 ngày không điều kiện.

Ngày 9/5, Nga sẽ tổ chức duyệt binh kỷ niệm 80 năm Chiến thắng phát xít. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky gọi đây là “cuộc duyệt binh giả tạo” và thúc giục toàn dân đoàn kết chống lại cuộc xâm lược kéo dài hơn 3 năm.

Triều Tiên phóng loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn, Hàn Quốc lên án là hành động khiêu khích

Sáng 8/5/2025, quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã tiến hành phóng nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ khu vực ven biển Wonsan. Theo các đánh giá ban đầu, các tên lửa này đã bay quãng đường khoảng 800 km trước khi rơi xuống vùng biển phía đông, tức Biển Nhật Bản.

Bộ Tổng tham mưu Hàn Quốc đã lên án mạnh mẽ hành động phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, cho rằng đây là hành vi gây hấn nghiêm trọng, làm gia tăng căng thẳng và đe dọa đến an ninh, ổn định khu vực Đông Bắc Á.

Đáng chú ý, vụ thử tên lửa lần này diễn ra trong bối cảnh Nga chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức, một sự kiện có ý nghĩa lớn về mặt quân sự và ngoại giao. Mối quan hệ hợp tác quân sự ngày càng chặt chẽ giữa Moskva và Bình Nhưỡng khiến giới quan sát quốc tế đặc biệt lo ngại về tác động lan rộng của các động thái quân sự từ bán đảo Triều Tiên.

Giới chức Hàn Quốc cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các đồng minh, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, để theo dõi tình hình và tăng cường khả năng sẵn sàng phòng thủ.

Philippines tố Trung Quốc có hành động đe dọa gần bãi cạn Scarborough giữa lúc tập trận với Mỹ

Ngày 8/5/2025, Philippines lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vì hành vi bị cho là nguy hiểm gần bãi cạn Scarborough – điểm nóng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Vụ việc xảy ra hôm 5/5, trong khi Philippines đang tiến hành cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ.

Theo thông tin từ Manila, hai tàu chiến Trung Quốc đã áp sát tàu tuần tra Emilio Jacinto của Philippines, trong đó một chiếc tiến gần chưa đến 100 mét và chiếc còn lại bất ngờ cắt ngang mũi tàu ở khoảng cách chỉ 180 mét. Quân đội Philippines gọi đây là hành vi “đe dọa và khiêu khích”, có thể dẫn đến va chạm nguy hiểm.

Phản hồi lại, Trung Quốc cáo buộc tàu Philippines “xâm phạm lãnh hải”, cho rằng hành động của hải quân nước này là hợp pháp và nhằm cảnh báo, buộc tàu đối phương rời khỏi vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Một quan chức Philippines cảnh báo, nếu Trung Quốc tiến hành xây dựng tại bãi cạn Scarborough, đó sẽ là hành động vượt “lằn ranh đỏ”, có thể gây ra bất ổn trong khu vực. Bãi cạn này là nơi hai bên tranh chấp gay gắt kể từ khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát vào năm 2012.

Ấn Độ tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu bị tấn công, trong bối cảnh căng thẳng với Pakistan leo thang

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi vào ngày 8/5/2025, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nhấn mạnh rằng New Delhi không mong muốn xung đột leo thang, nhưng sẽ có hành động đáp trả “quyết liệt” nếu chủ quyền quốc gia bị đe dọa. Phát ngôn này được đưa ra sau khi các cuộc giao tranh tiếp diễn dọc theo khu vực tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan – hai quốc gia cùng sở hữu vũ khí hạt nhân tại Nam Á.

Iran, quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao tích cực với cả New Delhi và Islamabad, được cho là đang đóng vai trò trung gian hòa giải trong bối cảnh khu vực gia tăng căng thẳng.

Theo thông tin từ chính phủ Ấn Độ, các đợt không kích từ phía Pakistan nhằm vào ngôi làng Poonch, gần ranh giới kiểm soát ở phía tây bắc Kashmir, đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và khoảng 40 người khác bị thương. Đáp lại, quân đội Pakistan thông báo đã bắn rơi 25 máy bay không người lái (drone) của Ấn Độ trong đêm qua, xảy ra tại ít nhất 9 thành phố trong lãnh thổ nước này.

Căng thẳng tại Kashmir tiếp tục là điểm nóng địa chính trị, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu nghiêm trọng giữa hai quốc gia hạt nhân.

Nga bị tố vi phạm lệnh ngừng bắn khi tiếp tục không kích Ukraina; Philippines tố Trung Quốc có hành động đe dọa gần bãi cạn Scarborough giữa lúc tập trận với Mỹ; Xung đột Ấn Độ – Pakistan: New Delhi không muốn leo thang căng thẳng, nhưng sẽ trả đũa « rất cứng rắn »; Bắc Triều Tiên lại thử tên lửa đạn đạo.(Ảnh ghép: Internet)

Liên minh châu Âu cảnh báo áp thuế trả đũa 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ nếu đàm phán với Washington đổ vỡ

Ngày 7/5/2025, một số nguồn tin ngoại giao từ Brussels cho biết Liên minh châu Âu đang lên kế hoạch áp đặt mức thuế trị giá khoảng 100 tỷ euro đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, nhằm phản ứng trước khả năng đàm phán thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump không đạt được kết quả.

Động thái này được xem là biện pháp phòng vệ nếu Washington thực hiện lời đe dọa tăng thuế thêm 20% đối với phần lớn hàng hóa châu Âu – một bước đi từng được ông Trump công bố trước đó. Dù quyết định áp thuế của Mỹ hiện tạm hoãn đến tháng 7/2025 để mở đường cho đàm phán song phương, EU vẫn chuẩn bị sẵn phương án đối phó trong trường hợp các cuộc thương lượng không đi đến thống nhất.

Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic cho hay, khoảng 70% hàng xuất khẩu từ châu Âu sang Mỹ hiện đã phải chịu mức thuế bổ sung dao động từ 10% đến 25%, gây áp lực lớn lên nền kinh tế và chuỗi cung ứng xuyên Đại Tây Dương.

Châu Âu muốn tăng mạnh ngân sách quốc phòng trong kế hoạch tài chính 2028–2034

Ngày 7/5/2026, Nghị viện châu Âu đã thông qua văn bản xác lập các ưu tiên cho giai đoạn ngân sách 2028–2034. Một trong những đề xuất nổi bật là tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh, đặc biệt từ Nga.

Hiện ngân sách quốc phòng của EU bị giới hạn ở mức 1% Tổng thu nhập quốc dân (GNI) của 27 quốc gia thành viên, và Nghị viện đang thúc đẩy việc “nâng trần” để phù hợp với bối cảnh địa chính trị mới. Đây cũng là lần đầu tiên EU xây dựng định hướng tài chính dài hạn kể từ khi Nga tiến hành cuộc chiến tại Ukraina, đánh dấu sự thay đổi lớn trong tư duy chiến lược của khối.

Theo: RFI