Nghị quyết Quốc hội vừa chính thức thông qua việc kéo dài thời hạn miễn thuế này đến hết ngày 31/12/2030. Chính sách mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026, tạo nền tảng pháp lý cho việc tiếp tục hỗ trợ nông nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội tại khu vực nông thôn.

Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp tiếp tục đến năm 2030

Ngày 24/11/2010, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung qua các Nghị quyết 28/2016/QH14 và 107/2020/QH14, Quốc hội vừa chính thức thông qua việc kéo dài thời hạn miễn thuế này đến hết ngày 31/12/2030.

Nghị quyết mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026, tạo nền tảng pháp lý cho việc tiếp tục hỗ trợ nông nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội tại khu vực nông thôn.

Hỗ trợ nông dân và thúc đẩy sản xuất bền vững

Chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp không chỉ nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho nông dân, hộ gia đình và tổ chức sản xuất nông nghiệp, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và hợp lý.

(Ảnh: Minh hoạ)

Theo nội dung nghị quyết, các đối tượng trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp sẽ được miễn thuế sử dụng đất đến hết năm 2030. Điều này không chỉ hỗ trợ thiết thực cho người nông dân mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Tránh lợi dụng chính sách, sử dụng đất đúng mục đích

Nghị quyết cũng nhấn mạnh: Trường hợp tổ chức, cá nhân được giao đất nhưng không trực tiếp sử dụng, mà cho đơn vị khác thuê lại để sản xuất nông nghiệp, sẽ phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian chưa bị thu hồi đất.

Chính phủ sẽ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện nghị quyết này, trong đó cần làm rõ tiêu chí để phân loại và xác định chính xác đối tượng được miễn thuế, đảm bảo hỗ trợ đúng người, đúng mục tiêu và tăng hiệu quả sử dụng đất.

Tác động tài chính và kỳ vọng phát triển

Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2001–2010, mức miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp bình quân khoảng 3.268 tỷ đồng/năm. Trong 3 năm gần đây, con số này tăng lên 7.500 tỷ đồng/năm, cho thấy quy mô và tác động ngày càng lớn của chính sách.

Việc kéo dài miễn thuế được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đồng thời đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa và hiện đại hóa nông nghiệp ở nước ta.

Theo: VOH