Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư cảnh báo áp thuế lên tới 40% tới 14 quốc gia; hé lộ các cuộc đàm phán thương mại trong 90 ngày qua không đạt kết quả. Hành động này được xem là “cách gây áp lực đơn giản nhưng mạnh mẽ”; thể hiện quyết tâm giành lợi ích cho Mỹ bằng chiến lược trực diện.

Bức thư bất ngờ, giọng điệu cứng rắn

Ngày 7-7, ông Trump đã gửi thư chính thức cho 14 quốc gia; thông báo các mức thuế mới từ 25% đến 40%. Ông gọi đây là “cảnh báo cuối cùng” và ấn định thời hạn hiệu lực từ ngày 1-8, thay vì 9-7 như kế hoạch ban đầu.

Các bức thư có nội dung tương tự, chỉ khác tên nước và mức thuế. Trong thư, ông Trump sử dụng giọng điệu nửa đe dọa, nửa khích lệ; với những câu như “Quý vị sẽ không bao giờ thất vọng với Mỹ”; nhưng cũng không quên cảnh báo “các mức thuế có thể thay đổi nếu quan hệ song phương xấu đi”.

Thư không phải đàm phán – là lựa chọn đơn phương

Theo hãng tin AP, những bức thư này không phải kết quả của thương lượng mà là hành động đơn phương từ phía Mỹ; phản ánh việc các cuộc đàm phán kín đã thất bại.

William Reinsch, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, nhận định: “Họ không đưa ra điều ông Trump muốn, nên ông ấy tung chiêu mới – dọa áp thuế công khai”.

Ông Trump thậm chí đăng thư lên mạng xã hội trước khi gửi bản chính thức, nhằm tạo hiệu ứng truyền thông và áp lực dư luận.

“Gửi thư là cách dễ hiểu nhất”

Trong một tuyên bố, Tổng thống Trump cho biết ông chọn hình thức gửi thư vì cho rằng đó là “cách tốt nhất, mạnh mẽ nhất”.

“Nó đơn giản thôi. Một lá thư, một con số. 25%, 35%, có thể 60%, 70%. Họ sẽ phải chọn”, ông nói, ám chỉ các quốc gia cần nhanh chóng nhượng bộ để tránh bị áp thuế nặng.

Stephen Miran, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, cho rằng động thái này có thể giúp đạt được thỏa thuận ngay trong tuần nếu đối tác đồng ý nhượng bộ “đúng chỗ”.

Phản ứng trái chiều từ các quốc gia

Nhiều nước đã lên tiếng sau khi nhận thư. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba khẳng định vẫn lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, Nhật muốn miễn thuế ôtô nhưng lại không chấp nhận mua thêm gạo – điều Mỹ yêu cầu.

Tại Hàn Quốc, chính phủ tuyên bố sẽ đàm phán tích cực. Nhưng theo các chuyên gia, Tổng thống Lee Jae Myung không dễ để bị ép buộc trong giai đoạn nhậm chức đầu nhiệm kỳ.

Ấn Độ đang có tiến triển và có khả năng đạt thỏa thuận sớm. Đàm phán giữa EU và Mỹ cũng ghi nhận bước tiến, với đề xuất miễn thuế cho máy bay, thiết bị y tế, rượu mạnh, và một số hãng xe châu Âu.

Một lá thư – một quyết định?

Mặc dù có tín hiệu tích cực từ một số bên; nhưng ông Trump cho biết ông vẫn dự định gửi thư cho Liên minh châu Âu vào ngày 10-7. “Chúng ta sẽ gửi thư cho họ sau hai ngày nữa. Một lá thư có nghĩa là một thỏa thuận”, ông khẳng định.

Nhưng theo chuyên gia Josh Lipsky từ Hội đồng Đại Tây Dương, ba tuần chuẩn bị (từ 7-7 đến 1-8) là quá ngắn để các bên đạt được thỏa thuận thực chất. “Đây là dấu hiệu ông Trump thực sự nghiêm túc, không chỉ là chiến thuật gây áp lực”.

Triển vọng bấp bênh với các nước nhỏ

Một số quốc gia nhỏ như Nam Phi; Thái Lan và Malaysia đang đứng trước mức thuế lần lượt 30%, 36% và 25%. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phản đối mức thuế “vô lý” so với mặt bằng thuế quốc tế; nhưng vẫn yêu cầu các nhóm đàm phán khẩn trương làm việc với phía Mỹ.

Hôm 8-7, ông Trump tuyên bố thêm ít nhất 7 nước sẽ nhận thư vào ngày 9-7, và nhiều nước khác vào buổi chiều cùng ngày. Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cho biết khoảng 15–20 lá thư sẽ được gửi đi đến hết ngày 10-7.

Chiến lược cũ, cách làm mới

Giới quan sát nhận định việc dùng thư làm công cụ đàm phán không mới trong lịch sử chính trị Mỹ. Tuy nhiên, việc công khai rộng rãi, dùng mạng xã hội lan truyền, cùng ngôn ngữ đơn giản; là điểm khác biệt trong cách tiếp cận của ông Trump.

Ông muốn đặt các nước vào thế phải chọn nhanh: hoặc chấp nhận nhượng bộ, hoặc đối mặt với thuế quan nặng nề ngay trong tháng tới.

Theo: VnExpress