Đau xót Rào Trăng: Chuyến đi tìm con của những mái đầu ngả bạc
Những cơn mưa lớn quất liên hồi trên vùng núi Phong Điền hay Bình Điền càng làm mái đầu ngả bạc của ông Hoan, ông Phùng thêm xơ xác. Đối với họ, đây là những tháng ngày khó khăn nhất của cuộc đời.
- Bố khóc không thành tiếng khi xem lại tin nhắn cuối cùng của con hy sinh trên đường tới Rào Trăng
- Chủ tịch huyện Phong Điền mất ở Rào Trăng 3 khi mới nhậm chức hơn 1 tháng
- Video toàn cảnh vụ sạt lở ở Trạm bảo vệ rừng 67
‘Con tôi có hai chiếc răng khểnh cơ’
Những ngày này, không hiếm để chứng kiến những đôi mắt ầng ậc nước của những bậc cha mẹ đến tìm con mất tích tại Rào Trăng. Anh em ông Chính, ông Phùng là những người như thế.
VnExpress kể, ông Tạ Văn Chính cùng anh rể là Lê Văn Phùng (58 tuổi) đều từ Nga Sơn (Thanh Hóa) tất tả vào Huế tìm con. Ông Phùng có con trai Lê Văn Thịnh, 26 tuổi, đang mất tích, nên dẫu đau xót hẳn cũng còn tia hy vọng. Còn với ông Chính, mọi thứ đổ xụp khi nhận tin người con trai đã qua đời.
“Cùng đến chờ con ở Bệnh viện Bình Điền, đôi chân ông Tạ Văn Chính bước đi không vững khi nghe thông báo Tạ Văn Nghĩa, 27 tuổi, con trai ông là thi thể vừa được tìm thấy. Người đàn ông cao, gầy, nước da đen xạm vì cũng đi làm công trình gọi điện về nhà để gia đình chuẩn bị hậu sự.
Đến tối, ông Chính được công an gọi vào gặp con trai. Khuôn mặt nam thanh niên không còn nguyên vẹn, phải nhận diện bằng chiều cao và đặc điểm khác. Lát sau ông trở ra, nhấc máy gọi về nhà hỏi Nghĩa cao bao nhiêu, có mấy răng khểnh.
“Nghĩa nhà tôi cao gần 1,8 m, có hai chiếc răng khểnh cơ. Thi thể trong đó chỉ có một chiếc răng khểnh và chỉ cao hơn 1,7 m”, ông Chính nói. Người đàn ông lầm lũi thuê xe đi tìm chỗ ngủ. Đến tận khuya, khi đã mệt lả, ông mới nằm chợp mắt được một chút, chờ đến sáng nay bệnh viện gọi lên lấy mẫu AND”.
Còn ông Phùng kể, vào đến Huế, ông nghe tin hay tin sạt lở đất chết nhiều người lắm. Nghĩa – cháu ông và Thịnh – con trai, đều nằm trong diện mất tích. Cả hai cùng lái máy xúc, ở một lán với nhau.
Ông kể, ở quê, nhà ông Chính trồng lúa, còn nhà ông trồng cói. Kinh tế không mấy khá giả nhưng gia đình quyết nuôi con ăn học. Nghĩa học cao đẳng được một năm thì bỏ. Còn Thịnh tốt nghiệp cao đẳng ngành thực phẩm, ra trường không xin được việc. Ba năm trước, cả hai theo một chủ thầu vào Huế làm công trình thủy điện.
Hồi tháng 8, Nghĩa về nhà dự đám cưới người quen. Đó là lần cuối anh gặp gia đình. Thịnh thì thi thoảng mới gọi điện về. Hai anh em bảo nhau làm ăn, mỗi tháng gửi về cho gia đình 11 triệu đồng.
Suốt quãng đường xa, hai người đàn ông không thiết ăn uống. Mắt cứ hết trông vào bệnh viện, lại ngóng ra cổng khi có xe cứu thương đi vào.
‘Không còn hy vọng nhưng tôi vẫn mong có phép màu’
Cùng cảnh con mất tích như ông Phùng là ông Hoan. Ông có mặt ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền tìm con chiều 15/10, trong chiều mưa tầm tã.
Ký giả Phạm Trường của báo Zing từ hiện trường kể lại tâm trạng của người cha già ngóng tin con đang mất tích trong Rào Trăng.
“Ngồi thẫn thờ ở góc quán cạnh tỉnh lộ 11B, ông Hoan (trú xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) hướng đôi mắt đầy lo âu về dãy núi đầy mây sương, nơi từng đoàn quân đang tiến vào hiện trường vụ sạt lở đất.
Đã 3 ngày trôi qua, ông cùng người thân ở đó chờ thông tin về con trai tên Lê Văn Sáng (37 tuổi). Mỗi khi xe cấp cứu hú còi chạy qua, ông bật dậy, cố nhìn vào trong xe xem có con mình hay không. Nhưng cả chục lần như thế, người cha vẫn bặt tin con.
“Đến nay vẫn chưa có tin tức gì của con tôi. Không còn hy vọng nhưng tôi vẫn mong có phép màu”, ông Hoan trầm ngâm.
Con trai ông Hoan làm nghề lái máy công trình đã hơn 10 năm. Khoảng 3 năm nay, một chủ thầu cùng quê gọi anh Sáng vào Thừa Thiên – Huế lái máy cho công trình thuỷ điện đang xây dựng. Đầu tháng 10, Sáng lên đường vào Rào Trăng 3 nhưng gặp mưa lớn. Qua điện thoại, anh nói với gia đình rằng sẽ quay về sau khi đưa máy vào công trình.
Trưa 12/10, ông Hoan nghe tin thuỷ điện Rào Trăng 3 bị sạt lở, vùi lấp nhiều người. Ông liên lạc với con nhưng không được. Người họ hàng cùng làm ở thuỷ điện sau đó thông báo anh Sáng gặp nạn khi đang ở nhà điều hành.
“Người ta bảo đã tìm được thi thể cháu và liên hệ gia đình vào nhận dạng nên tôi thuê xe vượt hơn 300 km vào đây. Tuy nhiên, hơn 3 ngày, Sáng vẫn bặt vô âm tín”, ông buồn rầu”’.
Ngoài những người như ông Chinh, ông Phùng, ông Hoan, đang có hàng chục ông bố bà mẹ đến dõi theo việc cứu hộ ở Rào Trăng. Trong họ, có người được báo tin con đã mất nhưng trong đau xót vẫn không muốn tin đây là sự thật. Đối với họ, đây là những ngày ám ảnh, tang thương nhất, là nỗi đau mà chỉ mấy hôm trước, họ chẳng thể ngờ.