Từ chuyện Loan ‘cá’, nghĩ về Trung Quốc
Loan “cá” – bà trùm trấn lột tiểu thương vừa bị công an Đồng Nai bắt giữ khiến nhiều người được thở phào, nhất là những ai đã từng bị người đàn bà này ức hiếp.
Câu chuyện về “con đường đi lên” của Loan “cá”, hay trước đó là Đường “Nhuệ” – giang hồ đất Bắc đều có một điểm chung, đó là những chiêu cho vay nặng lãi và siết nợ.
Theo những gì phóng viên Tuổi Trẻ điều tra, thì thủa chưa có “số má”, Lý Thị Loan kiếm sống ở chợ Hóa An (phường Hóa An, Biên Hòa) bằng nghề bán cá.
Từ chỗ là người bỏ mối cá diêu hồng, khoảng 6 năm trước, Loan “cá” đã “lấy số” từ những cuộc tranh giành ở chợ Hóa An. Có số má, cũng là lúc vợ chồng Loan cho vay nặng lãi, trấn lột, lấy tiền bảo kê của các tiểu thương trong khu vực.
Những người từng là nạn nhân của Loan “cá” kể rằng, tiểu thương nào cần tiền thì đến gặp Loan hoặc đàn em của chị ta, vay với lãi suất thỏa thuận, lên đến vài chục chục %. Loan còn chi tiền để đàn em đứng ra cho những ai có nhu cầu vay. Phần đông người vay là tiểu thương, công nhân, thậm chí là các chủ quán massage, hớt tóc ở khu vực phường Hóa An. Đám đàn em xăm trổ của Loan luôn sẵn sàng chém các con nợ hoặc tiểu thương nào chống đối… Với những ai không trả được tiền thì phải gán nợ bằng tài sản. Ngoài cho vay nặng lãi, bà trùm còn ép thu tiền bảo kê của khoảng 700 hộ buôn bán và bán hàng rong trong khu vực.
Làm giàu từ cho vay nặng lãi rồi siết nợ như kiểu kể trên của Loan “cá”, hay Đường “Nhuệ” thực ra không mới. Nó vẫn là cách chuyển hóa con mồi thành con nợ bằng sự ngon ngọt của những lời đường mật, kết hợp với vũ lực và thêm chất gia giảm là một chút “nghĩa khí giang hồ”. “Anh chị chìa tay cho cô chú bám víu lúc khó khăn, nhớ đấy nhé”, bề mặt là nghĩa khí, là vớt nhau lên nhưng kết cục là không hoàn tiền sẽ dìm nhau đến đáy. Khi con nợ không có khả năng chi trả, lúc đó tình nghĩa huynh đệ hữu hảo sẽ lộ rõ. Bấy giờ thì chiểu theo luật giang hồ, tài sản đất đai của con nợ sẽ thành của chủ nợ.
Nghĩ về Trung Quốc
Những câu chuyện cho vay nặng lại rồi siết nợ kiểu như Loan “cá”, Đường Nhuệ là điều mà những ai muốn lý tưởng hóa cuộc sống cũng phải thừa nhận rằng, đó là thực tế trong xã hội. Nó không chỉ tồn tại ở trong phạm vị giới hạn ở địa phương, vùng miền nào đó, mà chuyện vay – siết nợ còn tồn tại ở tầm quốc tế, với chủ nợ không phải chỉ là những tay “giang hồ vặt” hoặc bà bán cá chợ phường. Đó có thể là một quốc gia rất có “máu mặt”,điển hình là Trung Quốc.
Bài viết “Nguy cơ Trung Quốc siết nợ nhiều nước gặp khủng hoảng vì Covid-19” đăng trên báo Thanh Niên ngày 7/5/2020 cho thấy thực tế đó. Bài báo nói, các doanh nghiệp, ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư và cho vay lớn trên thế giới, bao gồm những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Giới chức và giới quan sát từ các quốc gia như Mỹ, Úc đã cảnh báo nhiều lần với các nước thứ 3 rằng, hãy cảnh giác với rủi ro đến từ “chính sách ngoại giao sổ nợ” của Trung Quốc. Hãy coi chừng, nếu bạn không trả nổi các khoản vay lãi cao để thực hiện các dự án phát triên hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường, thì chính phủ của bạn buộc phải trao cho Trung Quốc quyền kiểm soát tài sản của nước mình. Hiện thực nhãn tiền là năm 2017, Sri Lanka không thể thanh toán khoản vay 8 tỷ USD, thế là họ phải gán nợ cho Trung Quốc thuê, vận hành một cảng biển chiến lược trong 99 năm. Kenya cũng lâm cảnh tương tự, khi có nguy cơ phải gán cảng Mombasa vì không trả nổi khoản nợ 3,8 tỷ USD vay Trung Quốc để xây tuyến đường sắt.
Tuy nhiên, những lời khuyên đã không được các nước thứ 3 nghe một cách nghiêm túc. Có rất ít nguyên thủ quốc gia dám bộc lộ thái độ với bẫy nợ của Bắc Kinh như ông John Magufuli – Tổng thống của Tanzania. Đến nay, có 138 quốc gia tham gia BRI, và đại đa số họ là những nước đang phát triển với chỉ số xếp hạng tín dụng ngày càng giảm. Trong khi kinh tế đang mong manh, cơn bão Covid-19 kéo đến đã quật đổ nền tài chính các quốc gia “con nợ” của Trung Quốc. Cực chẳng đã, mấy tháng qua, hàng chục nước đã phải đệ đơn lên Trung Quốc xin hoãn trả nợ. Theo tờ Financial Times, đó đa phần là những quốc gia thuộc Châu Phi, là nơi mà chính phủ, ngân hàng và các nhà thầu Trung Quốc đã cho vay 143 tỷ USD từ năm 2000 đến 2017.
“Chủ nợ” Trung Quốc sẽ xử lý ra sao? Thanh Niên dẫn tin từ đài CNBC nói rằng, Trung Quốc sẽ không giảm hay xóa bỏ khoản vay cùng lãi suất. Ngày 7/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã nói: “Đối với các nước gặp khó khăn về khoản vay trong đại dịch, Trung Quốc không ép buộc nhưng sẽ giải quyết thông qua kênh tham vấn song phương”. Điều này khiến nhiều người nghĩ đến kịch bản “tham vấn song phương” sẽ đưa đến hậu quả là những vụ siết nợ như họ đã từng làm với Sri Lanka, Kenya và nhiều nước khác.
Có thể cũng có người nghĩ, Trung Quốc sẵn tiền, vì vậy họ có quyền theo đuổi cuộc chơi của họ? Tuy nhiên, những thông tin dưới dây từ các nhà phân tích có thể chúng ta nghĩ lại. Cụ thể, chuyên gia Benn Steil và Benjamin Della Rocca thuộc Tổ chức Hội đồng quan hệ đối ngoại (Mỹ) cho biết thỏa thuận cho vay của Trung Quốc ghi con số lãi suất vay dao động từ 4 – 6%/năm. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) áp dụng lãi suất chỉ trên 1% đối với quốc gia có thu nhập thấp.
“Chính Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia vay nhiều tiền nhất của WB, tổng cộng khoảng 16 tỷ USD. Nước này hưởng lợi khi vay lãi suất thấp từ WB rồi dựa vào BRI để cho vay lấy lãi suất cao hơn. Chưa kể Trung Quốc vừa cho vay, vừa để công ty nhà nước thực hiện các dự án phát triển hạ tầng”, báo cáo của Hội đồng quan hệ đối ngoại viết.
Với những gì Trung Quốc đã lộ mặt như trên, không quá để nói rằng, từ câu chuyện Loan “cá”, có thể ít nhiều để chúng ta suy ngẫm về Trung Quốc.
Xem thêm:
- Nghị sĩ Mỹ muốn đổi tên đường trước ĐSQ Trung Quốc thành Lý Văn Lượng
- Trung Quốc – Biển Đông: Thả xác thuyền viên và những chuyện dị thường