Mới đây, video tàu cá Trung Quốc hải táng thi thể (thả xác xuống biển) với 4 thuyền viên người Indonesia khiến nhiều người xem ớn lạnh. Nó cũng đem đến cảm giác chập chờn ám ảnh như những gì giới chức Trung Quốc đang đối xử ở Biển Đông.

Lên tàu cá Trung Quốc lao động chẳng may bị chết, rồi thi thể sẽ đi đâu? Câu hỏi ấy được giải đáp một phần trong video mà Đài truyền hình MBC – một trong 3 hãng truyền thông lớn nhất Hàn Quốc phát sóng. Theo video này, thi thể thuyền viên Indonesia được bọc trong một chiếc túi màu cam, sau đó bị thả xuống biển. Trên tàu, một thuyền viên có hành động dường như cầu nguyện.

Theo lời của Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi nói ngày 7/5, thì có tới 4 thuyền viên trên tàu cá Trung Quốc tử vong từ tháng 12 năm 2019 đến nay. Hiện xác định được ít nhất 3 người trong đó được hải táng, tức là ném thi thể xuống biển. Sự việc này buộc Bộ Ngoại giao Indonesia phải triệu tập Đại sứ Trung Quốc để bày tỏ sự quan ngại về điều kiện làm việc của công dân nước này trên các tàu cá Trung Quốc; yêu cầu trả lời câu hỏi tại sao 4 người tử vong chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng. Phía Trung Quốc cũng phải trả lời câu hỏi việc chôn cất trên biển có phù hợp quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hay không.

Theo hãng truyền hình MBC, hai thuyền viên Indonesia giấu tên, từng làm việc trên tàu cá Trung Quốc, vẫn còn nguyên sự hãi hùng khi kể về quá khứ. “Họ yêu cầu phải làm việc liên tục trong 30 giờ. Sau 6 giờ làm được cho nghỉ để ăn. Chúng tôi bị buộc vào ngồi yên một chỗ khi nghỉ ngơi”. Những người này nói, họ không được uống nước ngọt mà phải uống nước biển lọc một cách qua quýt.

“Chúng tôi thấy buồn nôn. Không thể uống được loại nước đó. Có lần cổ họng tôi bị nghẽn đờm, một số người cảm thấy khó thở”, thuyền viên Indonesia nói.

Người đàn ông áo đen đứng gần túi thi thể màu da cam được cho là đang cầu nguyện trước khi thả xác người xấu số (ảnh cắt từ video).

Đó là một trải nghiệm kinh sợ trên những con tàu nhỏ bé, trong khi ở thượng tầng chính trị, Trung Quốc cũng ra những quyết định dị thường. Nó cũng liên quan đến những con tàu cá. Hồi đầu tháng 5, Trung Quốc đơn phương ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5 đến 16/8/2020. Đây là một mệnh lệnh Bắc Kinh áp đặt lên các quốc gia khác, ra đời từ năm 1999 dưới thời Giang Trạch Dân, và lặp lại hàng năm.

Phản ứng mới nhất của Việt Nam trước “mệnh lệnh” dị thường của Trung Quốc ra sao? Theo bản tin trên báo Zing, vào trưa nay, ngày 8/5/2020, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nói “Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này từ phía Trung Quốc”. Bà Hằng nhấn mạnh thêm: “Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông”.

Những hành động “phức tạp tình hình” bà Hằng nhắc đến có thể hiểu như việc tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, hay vào tháng 4 Bắc Kinh công bố thành lập hai đơn vị hành chính trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm, với tham vọng kiểm soát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc cũng công bố “danh xưng tiêu chuẩn” của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông.

Trước những hành động “dị thường” của Trung Quốc, ngày 7/5, tàu tác chiến cận bờ USS Montgomery cùng tàu tiếp tế USNS Cesar Chavez thuộc hải quân Mỹ đã hiện diện ở khu vực tàu khoan thăm dò dầu khí Malaysia hoạt động trên Biển Đông (ảnh: Hải quân Hoa Kỳ).

Những câu chuyện dị thường của Trung Quốc ở Biển Đông nhiều hơn thế. Bắc Kinh dường như không chỉ muốn khuấy đảo mặt nước Biển Đông, mà còn muốn kiểm soát bầu trời khu vực này. Từ hôm qua, nhiều tờ báo trong nước đã dẫn tin từ tờ Taiwan News cho rằng, Trung Quốc đang có kế hoạch lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Theo ông Yen Te-fa – lãnh đạo Cơ quan phòng vệ Đài Loan, nếu đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ trên Biển Đông, Bắc Kinh có thể yêu cầu mọi máy bay dân sự phải báo cáo lộ trình bay, thiết lập liên lạc hai chiều và chịu sự kiểm soát của họ.

Giới quan sát cho rằng, kế hoạch này của Trung Quốc không mới, nhưng lần này dường như họ muốn hiện thực hóa nó. Theo tờ RFA, truyền thông quốc tế từ tháng 6/2016 đã loan tin việc Trung Quốc xúc tiến thành lập ADIZ. Vùng này dự định sẽ bao trùm trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa), và bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng sa, Biển Đông (ảnh: Google Earth)

Song song với đó, truyền thông Trung Quốc cũng liên tiếp khoe các cuộc tập trận trên biển. Đài RFI cho biết, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đưa tin rằng Hải quân Trung Quốc tổ chức thao dượt hoàn thiện phối hợp ba lực lượng: chiến đấu cơ J-15, tàu sân bay và tầu ngầm để giám sát Biển Đông và “sẵn sàng đáp trả hành động khiêu khích quân sự của Mỹ”.

Thậm chí mới đây, một tờ báo của quân đội Trung Quốc còn đăng tin, lực lượng cảnh sát biển nước này đã “đuổi tàu USS Barry của Mỹ ra khỏi Biển Đông”. Tuy nhiên, phía Hải quân Mỹ sau đó đã bác bỏ thông tin này. Nhiều tờ báo quốc tế cũng nhận định, thông tin “đuổi tàu Mỹ” của tờ báo Trung Quốc chỉ là fake news.