Biển Đông: Công hàm 1958 không thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc
Hôm 17/4, Trung Quốc dẫn công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai như bằng chứng cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Trong công hàm mới được gửi Liên Hiệp Quốc (LHQ), Trung Quốc khẳng định cộng đồng quốc tế và cả Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với các quần đảo này.
- Virus Vũ Hán: Bắc Kinh áp lực châu Âu không tố cáo Trung Quốc bóp méo thông tin
- Dược phẩm: Phụ thuộc Trung Quốc, Tây phương tỉnh thức trong đớn đau
- Mỹ điều chiến hạm đến Biển Đông; Trung Quốc úp mở hạ thủy tàu tấn công đổ bộ Type 075
Trung Quốc cho rằng sau năm 1975, Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc không phủ nhận trong luật quốc tế (Estoppel) vì đã có yêu sách trái phép đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời Trung Quốc đưa ra các cáo buộc nói Việt Nam xâm phạm chủ quyền, xâm chiếm biển, đảo.
Hôm 23/4 Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: “Việt Nam đã làm việc với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam, bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc.”
Nội dung chính
Công hàm 1958 không thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc
Hôm 26/4, ông Raul Pedrozo, giáo sư luật quốc tế, cố vấn luật của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ, chia sẻ cùng BBC với hàm ý:
“Thủ tướng Phạm Văn Đồng bày tỏ sự ủng hộ đối với tuyên bố lãnh hải rộng 12 hải lý mà Trung Quốc đưa ra… không hề mang nghĩa thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa”.
Ông Raul Pedrozo là trợ lý đặc biệt của Thứ trưởng phụ trách chính sách Bộ Quốc phòng. Năm 2014, ông có công bố công trình dày 142 trang về tranh chấp tại Biển Đông, trong đó có phân tích khá sâu về công hàm Phạm Văn Đồng.
Theo ông Raul Pedrozo, Việt Nam đã thừa nhận sự tồn tại của công hàm Phạm Văn Đồng vào năm 1988, nhưng Bộ Ngoại giao đã có giải thích về bối cảnh lịch sử của các tuyên bố trong đó. Trong bối cảnh chiến tranh khi Hoa Kỳ có thể chiếm hai quần đảo này để làm bàn đạp tấn công thì việc tuyên bố như vậy chỉ là giải pháp tình thế. Vào thời ấy, tình “đồng chí”, tình “giai cấp” làm người ta tin tưởng chân thành…
Nguyên tắc Estoppel có mang lại bất lợi không?
Estoppel là quy tắc về bằng chứng, theo đó, một quốc gia không được phép phủ nhận sự thật về điều mà trước đây họ đã tuyên bố hoặc về những sự kiện mà họ cho là có thật. Mục đích chính là ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác.
Estoppel đã được Tòa án Công lý Quốc tế sử dụng để giải quyết một số tranh chấp chủ quyền. Nhưng nguyên tắc này của tòa khi liên hệ với tranh chấp tại Hoàng Sa không ủng hộ lập trường của Trung Quốc xét trong mối liên hệ với Việt Nam.
Ông Pedrozo cho rằng: “Lá thư của Ông Phạm Văn Đồng không đại diện cho một sự công nhận ‘rõ ràng và nhất quán’ đối với chủ quyền của các quần đảo tại Biển Đông và do đó không thể đáp ứng yếu tố đầu tiên của estoppel”.
“CHND Trung Hoa tuyên bố chủ quyền của họ đối với các đảo ở Biển Đông từ năm 1949. Đã phản đối hoặc hành động chống lại mọi yêu sách chủ quyền của các quốc gia khác và đã tiến hành tấn công các đảo ở Biển Đông. Do đó, nguyên tắc estoppel không thể được áp dụng cho các tranh chấp hiện tại”, ông Pedrozo giải thích thêm.
Tiến sĩ Dương Danh Huy từ Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cũng có chia sẻ với BBC hôm 25/04: “Năm 1958, chính phủ VNDCCH không được thế giới nói chung cho là có thẩm quyền đối với phía nam vĩ tuyến 17. Vì VNDCHH vừa không có thẩm quyền, vừa không có trách nhiệm pháp lý phải khẳng định chủ quyền, công hàm đó không hội tụ được các điều kiện của estoppel để ràng buộc VNDCCH”.
Cựu giáo sư Luật của Đại học Harvard, Giáo sư Tạ Văn Tài kể: “Hiệp định Geneve 1954 chia đất nước ra làm hai, thì đã dành quyền quản lý hành chính Hoàng Sa, Trường Sa ở nam vĩ tuyến 17 cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc, đã công nhận quyền chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc Việt Nam Cộng Hòa”.
“Chính phủ này cũng như hải quân của chính phủ này đã mạnh mẽ xác nhận chủ quyền ở các hải đảo trong biến cố Hoàng Sa 1974. Theo luật quốc tế, khi một quốc gia dùng vũ lực để chống lại sự xâm lăng của nước khác tức là đã xác nhận chủ quyền của đất nước”.
Trung Quốc lấy đại dịch làm thời cơ
Lý giải vì sao Trung Quốc lại đưa công hàm lên LHQ vào thời điểm này, ông Dương Danh Huy cho rằng:
“Đây là thời cơ tốt của Trung Quốc để lấn lướt, thậm chí lấn chiếm ở Biển Đông… Việc họ đưa công hàm 1958 vào một công hàm được chuyển đến các nước thành viên LHQ là điều đáng suy nghĩ”.
“Đó có phải là một sự leo thang tranh biện bình thường? Hay họ dồn Việt Nam vào chân tường để Việt Nam phải thể hiện lập trường? Hay họ chuẩn bị dư luận cho động thái kế tiếp?”. Hãy thể hiện sự quan tâm của bạn bằng những ý kiến bên dưới bài viết nhé.