Thế giới 5/12: Việt Nam nguy cơ liên đới từ xung đột Trung Quốc-Đài Loan; Biden-Putin sắp điện đàm
Các nước Đông Nam Á như Việt Nam khó đứng ngoài xung đột Trung Quốc – Đài Loan, theo nhận định của giới phân tích.
Dưới đây là bản tin thế giới ngày 5/12 của Tin360.tv:
Nội dung chính
Việt Nam và các nước Đông Nam Á khó đứng ngoài xung đột Trung Quốc – Đài Loan
Ông Drew Thompson, một nhà nghiên cứu tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng các nước Đông Nam Á như Việt Nam không thể không liên đới nếu xảy ra xung đột giữa Đài Loan và Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với Rappler, ông Thompson, nói:“Tôi không nghĩ Đông Nam Á có thể làm ngơ và đứng ngoài cuộc xung đột. Tôi nghĩ họ phải xem xét từng quốc gia có thể làm gì để ngăn Trung Quốc đưa ra quyết định sử dụng vũ lực”.
Nhưng ông cũng cho biết quan niệm phổ biến của các nước Đông Nam Á là không dại gì mà “chọc tức” Trung Quốc, “bởi vì nguy cơ bị Trung Quốc trả đũa, cưỡng ép kinh tế, gây áp lực và cưỡng chế quân sự là quá lớn”.
Trung Quốc xuất khẩu mô hình cai trị sang các nước đang phát triển
Trong bài phân tích trên Nikkei Asia ngày 5/12, phó giáo sư Benjamin R. Young tại Đại học Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ), cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có một cơ quan chuyên tìm cách xuất khẩu “mô hình cai trị độc tài của họ” ra nước ngoài.
Đó là Ban Liên lạc Quốc tế của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Theo ông Young, “cơ quan này tham gia vào việc xây dựng và vun đắp các mối quan hệ với các đảng chính trị nước ngoài, đặc biệt là các đảng phái ở châu Phi cận Sahara.”
Ví dụ, các quan chức từ đảng cầm quyền Zimbabwe, ZANU-PF, đã đến thăm một Trường giáo dục tư tưởng của ĐCSTQ ở tỉnh Sơn Đông vào tháng 5 năm 2019 để học hỏi từ các chương trình làm giàu ý thức hệ của Trung Quốc.
Ông Biden và ông Putin sắp hội đàm trực tuyến
Theo AP, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 4/12 cho biết cuộc hội đàm của ông Putin và ông Biden sẽ diễn ra vào thứ Ba sắp tới (7/12). Ông Dmitry cho biết các tổng thống sẽ tự quyết định cuộc nói chuyện của họ sẽ kéo dài bao lâu.
Cuộc hội đàm diễn ra khi quan hệ Mỹ-Nga đang căng thẳng liên quan đến việc quân đội Nga tập trung tại biên giới Ukraine. Động thái này là một dấu hiệu cho thấy Nga có thể sẽ xâm lược đồng minh của Mỹ.
Hàng chục nghìn người tuần hành phản đối đóng cửa vì Covid
Reuters đưa tin, hàng chục nghìn người đã tuần hành tại một số thành phố ở tây bắc châu Âu vào thứ Bảy (4/12) để phản đối các biện pháp đóng cửa vì Covid-19.
Tháng trước, Áo đã trở thành quốc gia đầu tiên ở Tây Âu áp dụng trở lại các biện pháp đóng cửa, dự kiến sẽ kéo dài 20 ngày.
Vụ thử nghiệm vũ khí tại Iran
Al Jazeera đưa tin, một tiếng nổ lớn đã xảy ra ở gần các cơ sở hạt nhân chính của Iran ở Natanz, nơi từng là mục tiêu của các cuộc tấn công phá hoại.
Các báo cáo cho biết tiếng nổ lớn và chớp sáng trên bầu trời xuất hiện vào khoảng 8:15 tối theo giờ địa phương (tức 16:45 theo giờ GMT) vào ngày 4/12 tại Badroud, cách nơi đặt các cơ sở làm giàu hạt nhân của Iran khoảng 20 km.
Giới truyền thông nhà nước Iran cho biết đây là một phần của một cuộc thử nghiệm vũ khí có kiểm soát.