Australia sẽ đối mặt với nguy cơ lớn về quốc phòng nếu Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon.

Các nhà phân tích đưa ra nhận định này sau khi có tin cho biết Trung Quốc và Solomon sắp ký kết một thỏa thuận quân sự mới. Thỏa thuận này mở đường cho Bắc Kinh đưa tàu chiến, binh lính và các lực lượng quan sự khác tới khu vực cách bờ biển Australia chưa đầy 2000 km.

Theo 9News, nhà phân tích quốc phòng Malcolm Davis cho biết nếu lực lượng hải quân Trung Quốc đóng quân tại quần đảo Solomon, Australia sẽ phải đáp trả bằng việc “thay đổi cơ bản” về các hoạt động quân sự của nước này.

Tiến sĩ Davis nói: “Bây giờ chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về việc bảo vệ bờ biển phía đông”, tức là khu vực giáp với quần đảo Solomon.

Australia phải tập trung vào việc “giám sát các hoạt động của Trung Quốc” tại khu vực này.

Theo thỏa thuận quân sự mới, Trung Quốc có thể xây dựng căn cứ quân sự tại quần đảo Solomon nằm ngay sát Australia (ảnh: Wikimedia Commons).
Theo thỏa thuận quân sự mới, Trung Quốc có thể xây dựng căn cứ quân sự tại quần đảo Solomon nằm ngay sát Australia (ảnh: Wikimedia Commons).

Từ một căn cứ quân sự ở thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon, Trung Quốc sẽ có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến các quốc đảo khác ở Thái Bình Dương.

Phía Trung Quốc và Solomon đã hoàn thiện các nội dung chi tiết của bản thỏa thuận vào ngày 31/3. Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Quần đảo Solomon Jeremiah Manele và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sẽ chính thức ký thỏa thuận.

Solomon nguy cơ trở thành “quốc gia bù nhìn” của Trung Quốc

Theo bản thỏa thuận, tàu hải quân Trung Quốc và các lực lượng quân sự khác sẽ được phép đóng tại quần đảo Solomon để bảo vệ các dự án và công dân Trung Quốc ở đó.

Chính phủ Solomon đang tiến sâu hơn vào mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, trong khi nỗi bất bình của người dân quân đảo với Trung Quốc ngày càng sâu sắc.

Một vụ bạo loạn đã xảy ra ở thủ đô Honiara vào tháng 11 năm ngoái, chủ yếu nhắm vào các cửa hàng và doanh nghiệp của người Trung Quốc.

Australia và các nước láng giềng khác đã cử cảnh sát và quân nhân tới Solomon để giúp tái thiết trật tự. Tuy nhiên, thỏa thuận quân sự mới sẽ cho phép Trung Quốc cử lực lượng tới “giữ gìn trật tự” ở Solomon, từ đó có thể khiến Australia mất đi vai trò này.

Trong bối cảnh đó, giới quan sát cảnh báo Solomon sẽ dần trở thành “quốc gia bù nhìn” của Trung Quốc với thỏa thuận quân sự mới này, theo SMH.