Bị tuyên phạt 30 tháng tù giam nhưng nhờ cải tạo tốt, bác sĩ Hoàng Công Lương được mãn hạn tù sớm hơn thời hạn 11 tháng.

Chấp hành án ở Hòa Bình

Bản tin của trên báo Thanh Niên cho biết, bác sĩ Lương được ra tù vào sáng ngày 21/1/2021. Bản tin dẫn xác nhận của luật sư Hoàng Văn Hướng – người từng bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ án “sự cố chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình”, cho biết thân chủ của ông đã được về với gia đình trước thời hạn.

Bức hình đăng trên Báo Giao Thông cho thấy bác sĩ Lương được người thân chờ đón ở trước cổng trại giam.

Theo luật sư Hướng, sau phiên phúc thẩm, bác sĩ Lương nhận mức án 30 tháng tù giam và được đưa về Phân trại cải tạo Bắc Phong (huyện Cao Phong, Hòa Bình; thuộc trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình) để chấp hành án.

Ông Hướng nói, sau 19 tháng tù, anh Lương cải tạo tốt, gia đình 9 bị hại cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho vị bác sĩ 35 tuổi này… nên anh được ân xá.

Cũng trong ngày 21/1, nhiều trang mạng xã hội đăng hình bác sĩ Lương chào bạn tù và bước chân khỏi cổng trại giam. Nhiều người xem để lại lời chúc mừng và động viên anh tiếp tục với nghề Y. Tuy nhiên, cũng người đặt câu hỏi anh Lương “nên’ hay “không nên” trở lại nghề?

Pháp luật có cấm hành nghề trở lại?

Hoàng Công Lương bị tuyên 30 tháng tù giam từ ngày 19/6/2019 về tội vô ý làm chết người trong vụ án sự cố chạy thận. Sau đó, báo giới đã đặt câu hỏi liệu ra tù anh Lương có tiếp tục được hành nghề Y?

Theo VTV, ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cho biết, bản án không có hình phạt bổ sung về việc tước chứng chỉ hành nghề hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ đối với bị cáo Hoàng Công Lương. Vì vậy, sau khi chấp hành án phạt tù, anh Lương vẫn tiếp tục được hành nghề.

Cũng theo ông Quang, sau 2 năm không hành nghề, Hoàng Công Lương phải tham gia khóa học cập nhật kiến thức y khoa để có thêm các kỹ năng thực hành y khoa; nhớ về phác đồ điều trị, các loại thuốc mới. Qua đó, Hoàng Công Lương sẽ được hành nghề theo đúng quy định của pháp luật.

Phóng viên Báo Giao Thông đã trao đổi với Sở Y tế Hòa Bình về vấn đề trên. Một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết: Mãn hạn tù, Lương sẽ như những công dân bình thường, ngành y tế cũng không có “đặc cách” nào cả. Để tiếp tục theo “nghề” thì Lương sẽ phải thực hiện các bước tuyển dụng như những công dân khác là phải nộp hồ sơ tuyển dụng và thi tuyển vào ngành.

Về ‘vụ Hoàng Công Lương’

Năm 2017, xảy ra vụ 9 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Nguyên nhân sau đó được xác định là do nước chạy máy lọc thận nhiễm độc trong quá trình sửa chữa hệ thống lọc nước RO.

Vụ án này sau đó được xét xử, bác sĩ Hoàng Công Lương là một trong số các bị cáo. Cáo trạng Viện Kiểm sát cho rằng, thời điểm xảy ra vụ việc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thuê công ty bên ngoài sửa chữa hệ thống lọc nước RO.

Sau khi công việc hoàn thành, các cán bộ bệnh viện, trong đó có bác sỹ Hoàng Công Lương, không kiểm tra chất lượng nước cũng không báo cáo cấp trên về kết quả sửa chữa mà vẫn cho hệ thống hoạt động để lọc thận cho 18 bệnh nhân. Kết quả làm 9 người chết do tồn dư axit trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.

Bác sĩ Lương bị cáo buộc và đưa ra xét xử về tội ‘vô ý làm chết người’. Sau đó, công luận có ý kiến 2 chiều, một đồng tình với bản cáo trạng và bản án (30 tháng tù) với Lương; một luồng ý kiến khác ‘ủng hộ bác sĩ Lương’ vô tội.

Tháng 6/2019, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hòa Bình tuyên phạt Lương 30 tháng tù về tội Vô ý làm chết người.

Ngoài bị cáo Lương, bị cáo Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư) cũng bị tuyên 30 tháng tù giam; Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh Hoà Bình) 30 tháng tù giam; Đỗ Anh Tuấn (nguyên giám đốc công ty Thiên Sơn) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Trương Quý Dương (cựu giám đốc bệnh viện Hoà Bình) bị tuyên 30 tháng tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.