Báo cáo mới tiết lộ phạm vi khảo sát của Trung Quốc ở Biển Đông
Các tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động tấp nập bên trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông trong suốt 2 năm qua, theo một báo cáo mới của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI).
Theo BenarNews, báo cáo có tựa đề “Các cuộc khảo sát của Trung Quốc ở Biển Đông”, được công bố hôm 1/3. Mục tiêu của báo cáo là nhằm “hiểu rõ hơn về phạm vi các hoạt động khảo sát của Trung Quốc ở Biển Đông”, một công cụ quan trọng để Bắc Kinh khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp của họ.
Báo cáo của AMTI có sử dụng dữ liệu của hệ thống nhận dạng tự động (AIS) đối với các tàu Trung Quốc. Khi vẽ lại đường đi của các tàu Trung Quốc, có thể thấy chúng “bao vây” hầu hết các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Hơn nữa, các tàu khảo sát của Trung Quốc còn thường xuyên đi sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng bao gồm Việt Nam, Philippines và Malaysia.
BenarNews viết: “Bản đồ do AMTI cung cấp cho thấy các hoạt động khảo sát rất nhộn nhịp của Trung Quốc ở Biển Đông trong giai đoạn 2020-2021”.
AMTI là một chương trình thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, Mỹ.
Trung Quốc dùng tàu khảo sát để chống lại hoạt động dầu khí của các nước
Báo cáo cho biết, việc Trung Quốc dùng tàu khảo sát để cản trở hoạt động khai thác dầu khí của các nước đã trở thành một “phản ứng tiêu chuẩn” của Bắc Kinh.
Trong nhiều trường hợp, khi một quốc gia láng giềng bắt đầu một hoạt động dầu khí mới trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, Trung Quốc phản ứng lại bằng cách cử các tàu khảo sát do Cảnh sát biển Trung Quốc và lực lượng dân quân hàng hải hộ tống đến địa điểm đó.
Ông Greg Poling, giám đốc AMTI, cho biết: “Báo cáo nêu bật quy mô hoạt động khảo sát của Trung Quốc, đồng thời cho thấy thái độ đạo đức giả của họ”.
Ông giải thích: “Bắc Kinh tiến hành hàng chục hoạt động trong các vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng mỗi năm; nếu các hoạt động đó có bản chất là dân sự, thì chúng là bất hợp pháp; còn nếu chúng có bản chất là quân sự, thì đó chính là điều mà Trung Quốc tuyên bố các nước khác không được phép làm trong EEZ của mình”.
Trung Quốc đã thông qua Luật về Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa vào năm 1998, sau khi nước này phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) vào năm 1996.
Theo Luật EEZ của Trung Quốc, bất kỳ nghiên cứu khoa học hoặc hàng hải nào trong EEZ và thềm lục địa của Trung Quốc sẽ phải được các cơ quan chức năng của Trung Quốc phê duyệt. Đây cũng là thông lệ thường thấy theo UNCLOS.
Tuy nhiên, các tàu khảo sát của Trung Quốc thường xuyên hoạt động trong các đặc khu kinh tế của các nước khác mà không xin phép.