Tối 11/4, Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) – cơ quan phát ngôn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho đăng bài viết với tiêu đề (title) dịch sang tiếng Việt nghĩa là: “Tại sao Việt Nam (VN) xâm phạm biển Đông vào thời điểm này?”

Mở đầu bài báo, tác giả Thành Hán Bình viết rằng, hồi đầu tháng này, tàu cá Việt Nam đã “lao vào tàu hải cảnh của Trung Quốc”. Sau đó, phía Việt Nam đổ lỗi cho Trung Quốc để đòi “bồi thường”.

Lấy câu chuyện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phản đối Trung Quốc về vụ này, Thời báo Hoàn Cầu viết tiếp “trong khi Covid-19 tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới, Hoa Kỳ lại một lần nữa kết hợp với Việt Nam vì những động cơ thầm kín”. Và rằng “Sự hợp tác của họ, đặc biệt là với các hành động của Việt Nam trong việc khơi dậy tình cảm chống Trung Quốc, đã phản ánh sự thông đồng của họ”.

Ảnh chụp màn hình bài viết trên Thời báo Hoàng Cầu.

Trong phần tiếp theo, giọng điệu của cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản Trung Quốc nhắm vào ba yếu tố Việt Nam – Hoa Kỳ – Covid-19 như để minh chứng là  “có sự thông đồng”. Thành viết rằng “khi Trung Quốc đang chiến đấu gian khổ chống lại Covid-19, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành lệnh phong tỏa Trung Quốc và đình chỉ du lịch hàng không trong và ngoài nước, di tản các công dân Việt Nam khỏi Trung Quốc, những hành động phù hợp với các động thái của Hoa Kỳ.

Bằng cách đó, Việt Nam dường như đã thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhưng khi xem xét kỹ hơn, nó nhằm mục đích khép Trung Quốc vào trong một tình huống xấu hổ”.

Bài báo này cho rằng, với 257 người bị nhiễm Covid-19, hàng chục nghìn người trong diện theo dõi, cùng với áp lực kinh tế suy giảm, Việt Nam vẫn “cố gắng đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài và sau đó đánh lừa công chúng bằng những tuyên bố sai trái cùng các cáo buộc chống lại Trung Quốc”. Điều đó, tờ Hoàn Cầu nói, là để Việt Nam “đạt mục đích chính trị”

“Xem xét các chiến thuật do chính phủ Việt Nam thể hiện khi bắt đầu đại dịch, sẽ hợp lý khi nghĩ rằng Hà Nội có ý định chuyển sự chú ý khỏi áp lực trong nước gần đây và sự bất lực trong việc xử lý đại dịch sang căng thẳng trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc”.

Báo Việt Nam viết gì?

Đến ngày 14/4, chưa có phản ứng chính thức từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam và Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng về bài viết đăng trên Thời báo Hoàn Cầu. Về phía báo chí Việt Nam đã có những bài viết phản ứng.

Bài viết “Báo của Trung Quốc bóp méo sự thật về biển Đông” đăng trên báo Pháp luật TP.HCM nói rằng, trên thực địa và cả các phương tiện truyền thông, Trung Quốc đang thúc đẩy cuộc chiến thông tin, đưa ra nhiều “tin giả” về biển Đông. Phía Trung Quốc đã dựng lên những góc nhìn của thuyết âm mưu hoàn toàn phi lý.

Bài viết dẫn lời TS Huỳnh Tâm Sáng, nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) cho rằng, khi vu khống tàu cá Việt Nam đâm tàu Trung Quốc, Thời báo Hoàn Cầu muốn lật lọng rằng họ đang bị “hà hiếp”.

“Không dừng lại ở việc bẻ cong sự thật, bài viết đã cố tình kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan TQ bằng cách khơi gợi “tâm lý nạn nhân”. Trong dòng chủ lưu của phương châm “phục hưng dân tộc Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhiều bài viết của TQ đã theo quan điểm “diều hâu” để truyền tải thông điệp TQ đang bị hà hiếp và cần phải phản kháng” – TS Huỳnh Tâm Sáng nhận định.

Ông Sáng phân tích thêm, việc phía Mỹ ủng hộ Việt Nam vụ tàu cá bị đâm hoàn toàn dựa trên thực tế vụ việc. Các thông điệp chỉ tập trung phản bác cách hành xử của Trung Quốc trên biển Đông, kêu gọi phía Trung Quốc hành xử theo chuẩn mực và luật pháp quốc tế và nêu cao tính chính nghĩa của Việt Nam; quan trọng là không có bất kỳ ý kiến nào khơi gợi tình cảm chống Trung Quốc.

Bài báo trên tờ Pháp luật TP.HCM nói thêm rằng, luận điệu của tờ Hoàn Cầu về việc Việt Nam “chuyển sự chú ý khỏi áp lực trong nước gần đây và sự bất lực trong việc xử lý đại dịch sang căng thẳng trong quan hệ VN – TQ” là rất vô lý. Bởi lẽ, việc chống dịch ở Việt Nam đang đạt hiệu quả. Truyền thông quốc tế cũng ca ngợi thành quả chống Covid-19 ở Việt Nam. Thậm chí Việt Nam đã giúp đỡ, viện trợ thiết bị vật tư y tế tới nhiều quốc gia, trong đó có cả Trung Quốc.

Báo quốc tế: Trung Quốc luôn ‘ăn đằng sóng, nói đằng gió’

Đài Á Châu tự do có bài bình luận về những ngôn luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu với tiêu đề “Trung Quốc luôn ‘ăn đằng sóng, nói đằng gió’: chuyên gia nhận định!”. Bài viết dẫn ý kiến của Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc.

“Một chiếc tàu cá Việt Nam to lớn thế nào so với tàu hải cảnh Trung Quốc? Liệu tàu cá đâm đầu vào tàu hải cảnh Trung Quốc thì có ai tin được hay không? Việc ‘ăn đằng sóng nói đằng gió’ của chính phủ Trung Quốc từ trước đến nay cả thế giới không ai lạ. Ví dụ như 11 năm trước, trong ngày quốc khánh của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì Hồ Cẩm Đào là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho rằng hết sức hòa bình, hữu nghị và ca ngợi Trung Quốc không còn từ nào tốt hơn. Nhưng ngay lúc đó tại Biển Đông, Trung Quốc bắn giết, cầm tù các ngư dân Việt Nam đang đánh cá trong vùng biển của mình. Kể từ đó đến nay, hầu như không lúc nào Trung Quốc không bắt giết, bắt bớ tàu cá của ngư dân Việt Nam.”

Nói về thuyết âm mưu của tờ Thời báo Hoàn Cầu “Việt Nam bất lực trong việc xử lý đại dịch nên chuyển áp lực sang căng thẳng trong quan hệ Việt – Trung”, ông Kim Phúc cho rằng nó “hết sức thô thiển”.

Trước đó, bàn về những luận điệu của chính quyền Trung Quốc trong vụ tàu cá Việt Nam bị đâm chìm ở Hoàng Sa, Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng thốt lên với BBC là bà thấy “kinh hãi và phẫn nộ”.

“Dù giọng điệu vô cùng quen thuộc qua các năm nhưng mức độ tráo trở đổi trắng thay đen, vừa ăn cướp vừa la làng của phía người có trách nhiệm nhà cầm quyền Trung Quốc khiến nhiều người dân Việt Nam kinh hãi và phẫn nộ, trong đó có tôi”, Tiến sĩ Hằng cho biết.