Ở trẻ em, đột quỵ dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác làm chậm trễ quá trình điều trị. Gây nguy cơ tử vong rất cao.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM điều trị thành công cho trường hợp bé 3 tuổi (quê An Giang) bị đột quỵ. Trước đó bệnh nhi nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng đau đầu, lơ mơ, liệt nửa người, theo báo Vnexpress.

Không tin con bị đột quỵ

“Bé đang ở nhà thì đột nhiên lơ mơ rồi dần liệt nửa người, mặc cho ai kêu bé không biết gì hết cả. Ở bệnh viện tỉnh chụp chiếu không phát hiện ra, chỉ nghi ngờ bé bị viêm màng não. Tôi cũng không tin trẻ nhỏ như vậy lại bị đột quỵ” – chị N.T.T. (mẹ bé) nói.

Thế nhưng khi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng TP, kết quả chụp MRI phát hiện bé bị đột quỵ nhồi máu não do huyết khối. Ngay sau đó các bác sĩ tiến hành can thiệp lấy huyết khối bằng đường động mạch dưới.

“Triệu chứng của bệnh đột quỵ ở trẻ cũng giống như người lớn đó là méo miệng, yếu tay chân và không nói được. Do bệnh rất hiếm nên dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh lý khác, đặc biệt là viêm màng não. Nếu không được chuyển viện và điều trị kịp thời, bệnh nhi có nguy cơ tàn tật rất cao, thậm chí đe dọa đến tính mạng” – bác sĩ Huỳnh Hữu Danh, khoa nội thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng TP), nói.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng TP cũng tiếp nhận cấp cứu cho một bé trai 5 tuổi (ngụ Long An) trong tình trạng méo miệng, co giật đột ngột do nhồi máu não vùng đỉnh trái. Điều may mắn với bé này là được phát hiện, can thiệp kịp thời nên chỉ bị di chứng nhẹ chức năng ngôn ngữ, vận động.

Cùng thời điểm đó, câu chuyện của nam sinh lớp 7 (12 tuổi) ở Q.Tân Bình, TP.HCM tử vong sau cơn đột quỵ tại lớp khiến nhiều người giật mình âu lo.

Đột quỵ nhồi máu não rất thường gặp ở người lớn và là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông của máu ở não bị tắc nghẽn làm chết những tế bào não ngay tại vùng bị tắc. Những tế bào não ở vùng kế cận cũng bị giảm lượng máu đến nuôi. Để điều trị đột quỵ nhồi máu não, cần phải phát hiện bệnh lý sớm và cần được can thiệp kịp thời.

Ở trẻ em, đột quỵ nhồi máu não tương đối hiếm, gây nguy cơ tử vong rất cao, dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác làm chậm trễ quá trình điều trị. Ngoài ra, việc phân cấp bệnh viện người lớn không có chức năng tiếp nhận điều trị cho trẻ dưới 14 tuổi đang là một rào cản không nhỏ làm mất đi thời gian vàng điều trị đột quỵ cho trẻ.

Ba nhóm nguyên nhân

Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, đột quỵ ở trẻ em ngoài phân loại theo xuất huyết, nhồi máu như đột quỵ người lớn, còn phân loại theo tuổi. Đột quỵ xảy ra từ 28 tuần thai đến 28 ngày sau sinh gọi là đột quỵ chu sinh, từ 28 ngày sau sinh đến 18 tuổi gọi là đột quỵ trẻ em.

Đột quỵ chu sinh có các yếu tố nguy cơ từ con (bệnh tim bẩm sinh, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, chấn thương hoặc ngạt khi sinh) và nguy cơ từ mẹ (con so, tiền căn vô sinh, nhiễm trùng ối, thiểu ối, vỡ ối sớm, hút khi sinh, mổ cấp cứu, tiền sản giật, rối loạn đông máu).

Đột quỵ chu sinh khó nhận biết, điều trị chủ yếu nâng đỡ và tìm yếu tố nguy cơ để điều chỉnh. Đột quỵ trẻ em có triệu chứng tương tự đột quỵ người lớn như động kinh, yếu chi, méo mặt, rối loạn thị lực, rối loạn phối hợp vận động, ở trẻ lớn có rối loạn ngôn ngữ… với 3 nhóm nguyên nhân thường gặp là do bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý tắc hẹp mạch não bẩm sinh và bóc tách động mạch.