Vì sao Trung Quốc buộc phải rút lui khỏi Kazakhstan?
Sự hiện diện của Trung Quốc tại Kazakhstan có thể giúp Bắc Kinh hiện thực hóa các tham vọng của mình tại Trung Á và xa hơn nữa. Tuy nhiên, tham vọng đó dường như “sắp đi đến kết thúc”, theo TFI Global News.
Kazakhstan là một quốc gia nằm ở vị trí chiến lược ở Trung Á. Trong những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền bạc và thúc đẩy quan hệ ngoại giao tại quốc gia này.
Tuy nhiên, tham vọng thống trị Trung Á và tiếp cận châu Âu của Trung Quốc “dường như sắp kết thúc”. Trong một thời gian dài, các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại nước này đã phải hứng chịu sự phản đối gay gắt từ người dân địa phương, khiến họ buộc phải cân nhắc đến việc rút khỏi Kazakhstan.
Mới đây, 100 công nhân đang làm việc trong một dự án xây dựng đường ở khu vực Zhambyl phía nam của Kazakhstan đã biểu tình, lên án công ty Trung Quốc China Xinxing Construction & Development Co., không trả lương cho họ theo thỏa thuận.
Tại Kazakhstan, những vụ việc như vậy ngày càng phổ biến. Điều này được thể hiện rõ ràng trong phần đánh giá của Eurasianet về các dự án đầu tư đang triển khai tại Kazakhstan. Báo cáo cho thấy nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã buộc phải rút lui khỏi quốc gia Trung Á này.
Nhưng Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền, tại sao lại dễ dàng rút lui khỏi Kazakhstan?
Theo TFI, có các lý do khiến các công ty Trung Quốc buộc phải rời khỏi Kazakhstan.
Thất bại trong chính sách
Lý do quan trọng nhất dẫn đến việc các công ty Trung Quốc phải rút lui, là do Trung Quốc thất bại trong việc thực thi chính sách ngoại giao bẫy nợ khét tiếng trong khu vực.
Ví dụ, tờ SCMP năm ngoái đưa tin về việc các công ty Trung Quốc ngày càng phải thích ứng với yêu cầu của chính phủ và công dân trong khu vực; như là dự án phải tạo công ăn việc làm, phải đào tạo kỹ năng cho người dân địa phương.
Vì Trung Quốc không thể đạt được các mục tiêu mà mong muốn, họ đang thấy phương án khả thi hơn là rút khỏi Kazakhstan hoàn toàn, theo TFI.
Lý do từ Nga
Tuy nhiên, còn một lý do khác khiến các công ty Trung Quốc phải rút lui. Đó là các quốc gia Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và các nước khác luôn chịu ảnh hưởng của Nga.
Ảnh hưởng của Nga ngày càng lớn hơn nhờ sáng kiến Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). Đây là một hiệp định thương mại tự do được thành lập vào năm 2015 với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế và nâng cao mức sống của các thành viên – Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Nhưng rõ ràng, động cơ đằng sau sáng kiến của Nga là nhằm chống lại sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực và duy trì ‘phạm vi ảnh hưởng’ của Moscow.
Hơn nữa, ảnh hưởng đáng kể của Nga ở Kazakhstan cũng được thể hiện rõ trong các cuộc biểu tình ở nước này vào đầu năm nay. Khi đó, Nga đã điều động các binh sĩ bán quân sự đến hỗ trợ chính phủ Kazakhstan dập tắt các cuộc biểu tình.
TFI cho rằng Trung Quốc dường như đã hiểu được thông điệp rõ ràng từ Nga: Trung Á là sân sau của Nga, và Trung Quốc nên tránh xa. Việc Nga phá bỏ các lợi ích của Trung Quốc ở Kazakhstan là một chiến dịch kéo dài nhiều năm nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Vì những điều này, các công ty Trung Quốc đã buộc phải tính đến chuyện rút lui khỏi Kazakhstan, theo TFI.