Kính chào quý vị và các bạn đến với bản tin cập nhật tình hình Covid-19. Bản tin ngày 27/3 sẽ có những nội dung chính sau.

  • Nam Phi áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc 21 ngày

Và sau đây là nội dung chi tiết:

Việt Nam thêm 5 ca nhiễm Covid-19, số bệnh nhân lên 153

Vào lúc 19h30 chiều 26/03, Bộ Y tế công bố thêm 5 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân lên 153. 

Hiện Hà Nội có số bệnh nhân nhiều nhất với 52 ca. TP.HCM nhiều thứ hai với 40 ca trong đó 3 bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Bộ Y tế xác định Bệnh viện Bạch Mai là vùng có nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, hôm qua yêu cầu các bệnh viện tuyến dưới hạn chế chuyển bệnh nhân lên Bạch Mai.

Ngoài ra, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ không tụ tập đông người. Giữ khoảng cách 2m với người khác nếu có việc thực sự cần thiết phải ra đường và luôn mang khẩu trang. Đeo khẩu trang kín cả mũi và miệng, chăm tập thể dục, ăn uống đủ chất, rửa tay thường xuyên và để nơi ở sạch sẽ, thoáng khí…

Từ tối 27/03, TP. HCM tạm dừng xe khách liên tỉnh trong 2 tuần

Kể từ 18h ngày 27/3, tất cả xe buýt nội thành TP.HCM, ôtô khách liên tỉnh sẽ phải dừng hoạt động trong hai tuần.

Nội dung trên được ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch TP. HCM nêu tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố vào chiều 26/3. 

Chủ tịch TP. HCM cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải cần hoàn thiện tờ trình trong sáng nay (27/3) về việc tạm dừng các loại phương tiện công cộng, những tuyến xe buýt nào ngừng hoạt động, biện pháp phòng dịch với những tuyến tiếp tục chạy.

Ngoài ra, ông Phong cũng đề nghị người dân không ra đường nếu không có việc cần thiết, đặc biệt là những người trên 60 tuổi – nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao. Các địa phương trên địa bàn không để diễn ra tình trạng tụ tập (trên 20 người nơi công cộng và 10 người tại trường học, công sở), tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.

Trước đó, từ 18h ngày 24/3, TP. HCM đã tạm dừng hoạt động các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ 30 người trở lên). Câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình (Gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn đến hết 31/3/2020.

600.000 người ở TP.HCM mất việc vì Covid-19

Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM có khoảng 600.000 người tại thành phố mất thu nhập do có nhiều doanh nghiệp gặp khó, có nơi phải đóng cửa bởi dịch virus Vũ Hán.

Chiều 26/3, tại cuộc họp Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP đã tính toán đến việc hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/người cho những người mất việc làm do Covid-19.

Liên quan đến các doanh nghiệp trong khối sản xuất, ông Nhân yêu cầu TP làm việc với doanh nghiệp để 2 tuần tới có hay không dừng hoạt động. “Riêng ngành lương thực, thực phẩm phải duy trì sản xuất”, báo VnExpress dẫn lời ông Nhân.

Đối với ngành giao thông vận tải, hiện người dân vẫn còn nhu cầu đi lại nên các sở ngành phải nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra giải pháp.

TP. HCM đề nghị xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng

Tại buổi họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch virus Vũ Hán chiều 26/3, ông Nguyễn Thiện Nhân Bí thư Thành uỷ TP. HCM đề nghị Chủ tịch UBND TP. HCM ra chỉ thị từ ngày 27/3, người dân ra đường bắt buộc phải đeo khẩu trang. Người không thực hiện sẽ bị cưỡng chế đeo và lập biên bản xử phạt hành chính.

Tin quốc tế:

Thế giới có hơn 532.000 ca nhiễm, 24.000 ca tử vong

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính đến 10h30 sáng 27-3 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới là hơn 532.000 người, số ca tử vong hơn 24.000 người và hơn 124.000 ca hồi phục. 

Ý hiện vẫn là nước có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới với 8.215 ca trong số 80.589 ca mắc bệnh. Nạn nhân chủ yếu là người già và người có bệnh lý nền. Dữ liệu về hơn 5.500 trường hợp tử vong đầu tiên cho thấy 98,6% nạn nhân có ít nhất 1 bệnh nền. Hơn một nửa nạn nhân có ba hoặc nhiều vấn đề sức khỏe khác khi tử vong. Chỉ 29,1% nạn nhân là phụ nữ.

 
Nhân viên tang lễ đưa quan tài của một bệnh nhân COVID-19 tới nghĩa trang (Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ)

Tây Ban Nha có số ca tử vong nhiều thứ hai trên thế giới với 4.365 ca trong số 57.786 ca mắc.

Tại các nước khác ở châu Âu, Pháp đã có 1.696 ca tử vong trong số 29.155 ca mắc. Đức đã ghi nhận 43.938 ca nhiễm và 267 ca tử vong. 

Hàn Quốc ghi nhận thêm 91 ca nhiễm mới tính đến hết ngày 26-3. Tổng số ca nhiễm của Hàn Quốc hiện là 9.332, trong đó 144 ca là từ nước ngoài.

Nhật Bản: Số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo tăng vọt trong những ngày gần đây, khiến thị trưởng thành phố đã phải thông báo tình trạng nghiêm trọng và lên tiếng yêu cầu công dân phải ở trong nhà trong tuần tới để ngăn ngừa sự lây lan rộng ra cộng đồng.

Mỹ: Trong 24h qua, Mỹ có thêm tới hơn 17.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 85.377, cao nhất thế giới (không tính Trung Quốc do không biết số liệu thực của nước này). Tổng số ca tử vong hiện là 1.295, tăng 268 ca so với ngày trước đó. Tỷ lệ tử vong ở Mỹ ở mức 1,5% , thấp hơn nhiều so với các ổ dịch lớn khác. Bang New York là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất ở Mỹ với gần 38.000 ca nhiễm, chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm trên cả nước. Với sự phê duyệt của FDA về thử nghiệm loại thuốc mới, tỷ lệ hồi phục được dự báo sẽ rất khả quan.

FED thừa nhận kinh tế Mỹ suy thoái

Trả lời phỏng vấn kênh NBC News ngày 26/3, chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho rằng Mỹ rất có thể đã rơi vào suy thoái, đồng thời cảnh báo thời gian để dỡ bỏ các hạn chế xã hội vốn gây thiệt hại cho nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào diễn biến dịch COVID-19.

Nam Phi áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc 21 ngày

Bộ Y tế Nam Phi ngày 26/3 thông báo, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới Covid-19 tăng thêm 218 trường hợp, đưa tổng số ca nhiễm bệnh lên 927 người, gần gấp đôi so với thời điểm đầu tuần vừa rồi trong bối cảnh Nam Phi bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc trong vòng 21 ngày kể từ 24h00 ngày 26/3.

Rất nhiều ca nhiễm mới Covid-19 tại Nam Phi bắt nguồn từ tình trạng lây lan trong cộng đồng và trong gia đình.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và lãnh đạo các quốc gia trong khu vực đã đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới xem xét việc dãn và xóa nợ cho các nước châu Phi.

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 khai mạc ngày 26/3, ông Ramaphosa đã yêu cầu các nước phát triển trong G20 cần tiếp tục thực hiện các chương trình cung cấp thuốc men và thiết bị y tế cho châu Phi. Các quốc gia trong châu lục đã lập ra Quỹ phòng chống Covid-19 với số tiền đóng góp ban đầu trị giá 17 triệu USD.