Mục điểm tin cập nhật trên các trang báo tối 25/7 xin gửi đến quý vị những nội dung chính sau

Tin trong nước:

  • Bệnh nhân 416 tại Đà Nẵng có tình trạng phổi đông đặc, đã can thiệp ECMO
  • Hơn 1000 người đã tiếp xúc với “bệnh nhân 416”
  • Phát hiện thêm 21 người lưu trú trái phép ở Đà Nẵng, chủ yếu là Trung Quốc 
  • Bắt giữ đối tượng đâm gục tài xế Grab để cướp của ở Hà Nội
  • Bắt tạm giam 6 đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Tin thế giới:

  • 24 chiến hạm Indonesia diễn tập trên Biển Đông thách thức Trung Quốc
  • Miến Điện chuẩn bị phóng vệ tinh đầu tiên lên không gian
  • Mỹ “sờ gáy” mạng lưới gián điệp liên quan quân đội Trung Quốc
  • Mỹ công bố: tổng lãnh sự quán Trung Quốc đưa binh sĩ vào dưới mác thường dân

Sau đây là những nội dung chi tiết

Tin trong nước

(Thanh Niên) – Bệnh nhân 416 tại Đà Nẵng có tình trạng phổi đông đặc, đã can thiệp ECMO. Thông tin mới nhất từ Tiểu ban Điều trị cho biết, bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 416 tại Đà nẵng diễn biến nặng, phải can thiệp ECMO. Ngành y tế huy động mọi nguồn lực cứu chữa bệnh nhân này.

Trước bệnh nhân 416, bệnh nhân 91 là phi công người Anh cũng từng có diễn biến rất nặng, hai phổi đông đặc, bình phục sau thời gian dài can thiệp ECMO và điều trị tích cực.

Bệnh nhân 416 (59 tuổi, T.V.D) khởi bệnh từ ngày 18/7 với biểu hiện mệt mỏi, sốt nhẹ, sau đó nhập viện điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng (TP.Đà Nẵng) hôm 20/7.

Ngày 21 – 22/7, bệnh nhân diễn biến nặng, sốt cao liên tục, có yếu tố nhiễm trùng, nhiễm độc, suy hô hấp. Ngày 23/7, bệnh nhân tổn thương phổi nặng, rala đầy 2 phổi, suy hô hấp tiến triển nhanh, đầu chi tím tái, được thở máy, được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện đa khoa TP. Đà Nẵng.

(VnExpress) – Hơn 1000 người đã tiếp xúc với “bệnh nhân 416”. Nhà chức trách xác định 1.079 người đã tiếp xúc với “bệnh nhân 416”, trong đó tiếp xúc gần (F1) là 288 người. Thành phố đã lấy 108 mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính nCoV.

Các khu vực bệnh nhân từng đến như Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng… đã được khoanh vùng, cách ly như ổ dịch. Những người tham gia tiệc cưới cùng “bệnh nhân 416” sẽ được cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Do các trung tâm cách ly ở Đà Nẵng đã đầy, nên người cách ly sẽ được chuyển đến khu cách ly ở địa phương lân cận.

(PLO) – Phát hiện thêm 21 người lưu trú trái phép ở Đà Nẵng, chủ yếu là Trung Quốc. Sáng 25/7, trong cuộc họp trực tuyến với Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Lê Trung Chính báo cáo, vào tối 24/7, Đà Nẵng phát hiện thêm 21 người nước ngoài nhập cảnh trái phép, trong đó chủ yếu là người Trung Quốc.

Sau khi phát hiện những người nhập cảnh và lưu trú trái phép, công an đã yêu cầu họ cách ly tại nơi lưu trú. Những người này sẽ được lấy lời khai để cơ quan chức năng nắm rõ lịch trình, cũng như thủ thuật nhập cảnh trái phép.

Trước đó, Công an TP Đà Nẵng đã phát hiện hơn 20 người nhập cảnh trái phép. Công an đã khởi tố vụ án và đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố bị can những người tiếp tay cho việc đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép.

(Người đưa tin) – Bắt giữ đối tượng đâm gục tài xế Grab để cướp của ở Hà Nội. Chiều 25/7, thông tin với Người Đưa Tin Pháp Luật, cán bộ phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP. Hà Nội cho biết, vào 20h ngày 24/7, PC02 đã bắt giữ các đối tượng Giàng Seo Diu (SN 2002, dân tộc Mông, trú xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai), Nguyễn Văn Sơn (SN 1997 trú xã Hoàng Thanh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Là bị can trong vụ đâm tài xế xe ôm Nguyễn Văn Q. (SN 1984, quê Yên Bái) xảy ra rạng sáng 19/7, tại đê sông Đuống (xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Động cơ gây án được xác định là do cần tiền để chơi game và tiêu xài.

(VTV) – Bắt tạm giam 6 đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Ngày 25/7, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết vừa khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng ở thành phố Móng Cái do có hành vi “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã móc nối với 1 người Trung Quốc tên A Lùng qua Wechat thống nhất đưa những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ Đông Hưng (Trung Quốc) đến thành phố Móng Cái, Quảng Ninh (Việt Nam) bằng bè xốp vượt sông biên giới mốc 1355 và dùng xe máy đưa về trung tâm thành phố và nội địa của Việt Nam.

Mỗi vụ trót lọt, A Lùng trả tiền công cho nhóm của Sủi là 4.000 nhân dân tệ/1 người nhập cảnh (khoảng 13 triệu đồng/người). Ngày 10/6, nhóm của Sủi đón 4 người Trung Quốc, khi đang di chuyển thì bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ. Trước đó, nhóm đã đưa 2 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Tin thế giới

(RFI) – 24 chiến hạm Indonesia diễn tập trên Biển Đông thách thức Trung Quốc. 24 tàu chiến của Indonesia đã tham gia đợt thao dợt 4 ngày ở Biển Đông nhằm thách thức các yêu sách « đường chín đoạn » của Bắc Kinh.

Đợt diễn tập bắt đầu vào hôm thứ Ba 21/7, trong số 24 tàu chiến tham gia, có hai tàu khu trục tên lửa và bốn tàu hộ tống. Đợt diễn tập trên biển lần này được tiến hành cùng với hoạt động huấn luyện trên đất liền. Một phần của cuộc thao dượt được tổ chức gần quần đảo Natuna của Indonesia. Đường ranh giới vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna trùng với bản đồ « đường 9 đoạn » mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Trong một thông cáo, Hải quân Indonesia cho biết cuộc diễn tập gần quần đảo Natuna lần này nhằm xây dựng các phương án và chiến lược bảo vệ Natuna.

Trước đó trong bức thư gửi tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres, hồi tháng 5/2020, Jakarta đã bác yêu sách « đường 9 đoạn » của Trung Quốc vì yêu sách này « thiếu cơ sở pháp lý quốc tế » và thẳng thừng từ chối đề nghị đàm phán về cái mà Bắc Kinh gọi là « yêu sách chồng lấn ».

(AFP/RFI) – Miến Điện chuẩn bị phóng vệ tinh đầu tiên lên không gian. Đây là một vệ tinh quan sát đầu tiên, do Nhật Bản chế tạo, sẽ cho phép theo dõi các cơn bão, động đất, các dòng hải lưu của châu Á và cả tình trạng đất canh tác cũng như diễn tiến của dịch bệnh. Vệ tinh Miến Điện được phóng trong khuôn khổ một chương trình tập hợp 9 nước châu Á, trước mắt đã có Philippines, Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản, và sắp tới sẽ đón nhận Malaysia, Thái Lan, Bangladesh và Mông Cổ.

(Người lao động) – Mỹ “sờ gáy” mạng lưới gián điệp liên quan quân đội Trung Quốc. Bộ Tư pháp Mỹ thông báo các công tố viên liên bang vừa buộc tội 4 công dân Trung Quốc nghi ngờ nằm trong mạng lưới gián điệp có quan hệ với quân đội Trung Quốc.

Theo thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ, Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã bắt giữ cả 4 người này. Người cuối cùng bị bắt là bà Juan Tang, sau thời gian ẩn náu tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP San Francisco.

Các nghi phạm đều bị buộc tội danh gian lận thị thực. Nếu bị kết tội, họ sẽ đối mặt với mức án tối đa 10 năm tù và 250.000 USD tiền phạt.

(Tuổi Trẻ) – Mỹ công bố: Tổng lãnh sự quán Trung Quốc là “hang ổ gián điệp”. Theo nội dung cuộc họp báo đường dài rạng sáng 25/7 do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức và cung cấp thông tin cho báo chí, một quan chức cấp cao trong Bộ Tư pháp Mỹ cho biết tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, bang Texas là một mắt xích quan trọng mạng lưới “gián điệp” trải khắp 25 thành phố trên toàn nước Mỹ.

“Các hoạt động của tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston đã vượt quá lằn ranh Mỹ có thể chấp nhận. Nếu chúng tôi không làm gián đoạn những chuyện này, không chỉ tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston mà cả các nơi khác cũng sẽ được nước làm tới.

Những ví dụ công khai mà tôi đưa ra trong cuộc thảo luận hôm nay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm ở Houston”, quan chức Bộ Tư pháp Mỹ đặt vấn đề và ví những gì diễn ra ở Houston là “cọng rơm cuối làm gãy lưng con lạc đà”.

Theo quan chức giấu tên này, không chỉ tổ chức đưa các binh sĩ vào Mỹ dưới mác thường dân, tổng lãnh sự quán Trung Quốc còn chỉ đạo các đối tượng này lẩn trốn và cản trở điều tra của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).

Cập nhật sáng 25/7: Việt Nam thêm 2 bệnh nhân Covid-19 mới; Hà Nội tiếp tục yêu cầu đeo khẩu trang