Bị cáo Lê Tấn Hùng – em trai của nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM Lê Thanh Hải bị truy tố ở khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình; Dân biểu Dân chủ Henry Cuellar (bang Texas) báo động khủng hoảng biên giới ở Mỹ… là những nội dung chính trong bản tin tối nay.

Tin trong nước

Tham ô 13 tỷ đồng, Lê Tấn Hùng đối diện với án tử hình

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra đề nghị truy tố bị can Lê Tấn Hùng (sinh năm 1963, nguyên tổng giám đốc tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn, SAGRI) về tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.

Theo Dân Trí, bị can Lê Tấn Hùng bị đề nghị truy tố theo khoản 4 điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Lê- Tấn- Hùng-em-trai-Lê-Thanh-Hải
Bị can Lê Tấn Hùng – em trai ông Lê Thanh Hải – nguyên Bí thư TP. HCM (ảnh chụp màn hình báo Dân Trí).

Liên quan tới vụ án, ông Trần Vĩnh Tuyến (sinh năm 1965, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM) cùng đồng phạm bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.

Theo Tiền Phong, trong vụ án này, ông Trần Vĩnh Tuyến phạm tội do nể nang ông Lê Tấn Hùng là em trai nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM. Việc làm này tạo điều kiện để Lê Tấn Hùng và các đồng phạm làm thủ tục chuyển nhượng dự án trái quy định, gây thiệt hại hơn 348 tỷ đồng.

Dừng tăng viện phí tại Bệnh viện Bạch Mai

Sáng nay 6/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai dừng kế hoạch điều chỉnh viện từ ngày 1/4 tới, tin từ báo Tuổi Trẻ.

Theo ông Sơn, giá khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước như bệnh viện Bạch Mai phải áp dụng theo giá, khung giá do Bộ Y tế ban hành.

Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên Bộ Y tế chưa ban hành thông tư quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở y tế công lập.

Do đó, Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai không điều chỉnh tăng giá như dự định.

Bệnh viện Bạch Mai (ảnh: báo chinhphu.vn).

Trước đó, bệnh viện Bạch Mai khiến dư luận bất ngờ khi công bố việc điều chỉnh viện phí theo yêu cầu, trong đó có giá khám giáo sư, phó giáo sư, khám tiến sĩ, thạc sĩ… và giá giường bệnh theo yêu cầu.

Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ở Hà Tĩnh

Tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vừa xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi với 8 con lợn bị nhiễm bệnh đã được tiêu hủy.

Trước đó, tại các hộ chăn nuôi ở xã Lâm Trung Thủy có 8 con lợn bị ốm chết. Kết quả mẫu bệnh phẩm đều là dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.

Hiện nhà chức trách đã rà soát, thống kê tổng đàn lợn, lập tức phun hóa chất tiêu độc, khử trùng…

Miền Bắc chuyển rét

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hiện nay một bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam.

Từ đêm nay (6/3), ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Từ ngày mai (7/3), ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15-18 độ, vùng núi có nơi dưới 14 độ C.

Tin thế giới

Biên giới Mỹ có dấu hiệu khủng hoảng, hơn 10.000 người nhập cư trái phép bị bắt giữ

Theo truyền thông Hoa Kỳ đưa tin, Dân biểu Dân chủ Henry Cuellar (bang Texas), người đại diện cho một quận dọc biên giới Mỹ-Mexico, đã cảnh báo rằng, trong tuần qua có hơn 10.000 người nhập cư bất hợp pháp đã bị bắt tại khu vực biên giới ở Thung lũng Rio Grande, Texas.

Dân biểu này trong một thông cáo báo chí cho biết: “Chúng ta chỉ còn cách cuộc khủng hoảng biên giới phía nam vài tuần, thậm chí là vài ngày”. “Đất nước chúng ta hiện chưa sẵn sàng để đối phó với đợt tăng vọt lượng người di cư giữa đại dịch.”

Ông Cuellar cũng “kêu gọi chính quyền Biden lắng nghe và làm việc với các cộng đồng ở biên giới phía nam, những người đang [phải] đối phó với đợt gia tăng lượng người di cư”. Ông Cuellar không phải là thành viên Quốc hội Texas duy nhất gióng lên hồi chuông cảnh báo về khủng hoảng biên giới.

Dân biểu Vicente Gonzalez, một đảng viên Dân chủ khác đã thẳng thừng chỉ trích chính sách nhập cư của Tổng thống Joe Biden trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán là “thảm họa”.

Ông Biden sẽ tổ chức họp báo lần đầu vào cuối tháng này.

Trong một thông cáo báo chí, Nhà Trắng cho biết ông Joe Biden sẽ tổ chức buổi họp báo đầu tiên với tư cách tổng thống Mỹ vào cuối tháng Ba này.

Giải thích lí do tại sao ông Biden vẫn chưa tổ chức một buổi họp báo chính thức, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 5/3 nói rằng tổng thống Mỹ đương nhiệm thực sự có trả lời câu hỏi nhiều lần trong một tuần. Bà Psaki nói: “Ông ấy thực tế đã nhận câu hỏi hai lần vào hôm qua. Đó là cơ hội cho những người đưa tin về Nhà Trắng hỏi ông về bất cứ tin tức nào đang xảy ra mỗi ngày”.

Ông Biden đã hai lần gọi cựu Tổng thống Donald Trump là “tổng thống” trong lễ ký kết hôm 28/1 (ảnh chụp màn hình video).

Thư ký Báo chí của ông Biden nói thêm: “Vị tổng thống này bước vào nhiệm sở trong khi xảy ra một cuộc khủng hoảng thực sự, hai cuộc khủng hoảng, một là đại dịch mà đất nước này chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, và một nữa là suy thoái kinh tế khiến 10 triệu người mất việc làm. Vì vậy tôi nghĩ rằng người dân Mỹ sẽ hiểu nếu sự tập trung, năng lượng và sự quan tâm của ông là nhằm vào việc đảm bảo có đủ vắc-xin an để chủng ngừa cho tất cả người Mỹ”.

Trước đó một ngày, hôm 4/3 khi bị báo chí thúc ép, bà Psaki đã từ chối đưa ra ngày giờ chính xác ông Biden sẽ tổ chức buổi họp báo đầu tiên.

Ông Biden là tổng thống Mỹ đầu tiên trong ít nhất một thế kỷ qua không tổ chức một buổi họp báo nào trong hơn 40 ngày đầu tiên cầm quyền.

Hơn 600 cảnh sát Myanmar từ chức, tham gia phản đối đảo chính

Trang tin Irrawaddy dẫn nguồn tin từ một quan chức ở thủ đô Naypyitaw cho hay, hơn 600 cảnh sát Myanmar đã từ chức và tham gia phản đối vụ đảo chính diễn ra ngày 1/2.

Các sĩ quan từ đơn vị như Cục Điều tra Hình sự, Cục Đặc nhiệm, Cảnh sát Du lịch, Cảnh sát An ninh đã quyết định rời ngành để tham gia vào phong trào biểu tình diện rộng trong bối cảnh căng thẳng ở Myanmar đang leo thang vì hơn 50 người đã thiệt mạng kể từ khi phong trào diễn ra.

Ngày 4/3, hơn 500 cảnh sát đã xuống đường tham gia phong trào và có thêm ít nhất 100 người khác tham gia vào hôm 5/3.

Trên Facebook, thiếu tá lực lượng đặc nhiệm Tin Min Tun thông báo ông đã tham gia vào phong trào vì “không còn muốn phục vụ cho quân đội”. Việc thiếu tá này rời ngành được cho đã mang đến ảnh hưởng nhất định tới những cảnh sát khác trong lực lượng. Hiện, trong số hơn 600 cảnh sát từ chức chưa có cảnh sát nào quay trở lại làm việc cho chính quyền quân sự. Nhiều cảnh sát đã từ chức cho biết, họ chỉ chấp nhận một chính phủ được dân bầu.

Xem thêm: