Tin trong nước:

(Thanh Niên) – Cư dân mạng quan tâm: Hai vụ va chạm kinh hoàng với ô tô ở Hà Nội. Vụ thứ nhất xảy ra ở Bắc Từ Liêm gây kinh hoàng bởi hình ảnh ô tô gây tai nạn xong không dừng lại, kéo theo xe đạp điện của một bé gái dưới gầm xe, tạo thành một vệt sáng rực kéo dài trên đường bỏ chạy. Sau 10 km, chiếc ô tô này tiếp tục gây ra va chạm tiếp với hai nạn nhân. Tin từ Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội cho biết tài xế gây tai nạn là Do Huang Cheng (38 tuổi, Đài Loan). 3 người bị thương, đang được điều trị tại bệnh viện.

Ô tô gây tai nạn xong không dừng lại, kéo theo xe đạp điện của một bé gái dưới gầm xe, tạo thành một vệt sáng rực kéo dài trên đường (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Vụ thứ hai cũng được cho là xảy ra ở phía bắc gây kinh hoàng với cư dân mạng bởi cách hành xử. Sau khi xảy ra va chạm giữa xe máy và ô tô, người của 2 bên đã có cuộc xô xát dữ dội. Hung khí cũng đã được huy động để giải quyết vụ va chạm khiến đường phố một phen hỗn loạn.

(Báo giao thông) – Ùn ùn giảm giá máy xét nghiệm Covid-19: Kỳ lạ mua xong mới “đàm phán” giá. Sau vụ việc Bộ Công an bắt giam Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng đồng phạm để điều tra về việc chỉ định thầu, thổi giá mua máy xét nghiệm Covid-19, hàng loạt địa phương đã đồng loạt “đàm phán” với các nhà cung cấp để giảm giá máy xét nghiệm hàng tỷ đồng.

Theo hợp đồng ký ngày 1/3 giữa Sở Y tế Quảng Ninh và liên danh nhà thầu, 1 hệ thống xét nghiệm Realtime PCR là 8,4 tỉ đồng. Ngày 23/3, giá hệ thống này được “đàm phán” còn 7 tỉ, tới nay còn 5,2 tỉ.

Sở Y tế Thái Bình cũng vừa “đàm phán” để giảm giá 2 tỉ đồng hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR so với thời điểm ký hợp đồng, chế độ bảo hành tăng lên 5 năm thay vì 1 năm và yêu cầu nhà thầu kèm thêm 1.300 bộ xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng.

Trước thông tin cho rằng TP Hải Phòng đã trang bị hệ thống máy Realtime PCR tự động trị giá gần 10 tỉ đồng, bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng khẳng định máy xét nghiệm đang dùng là “đi mượn” của doanh nghiệp, còn thành phố chưa phê duyệt mua.

Tương tự, CDC Lào Cai khẳng định, máy xét nghiệm mà Lào Cai đang sử dụng cũng là “đi mượn”. 

(Tiền Phong) – Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk và hàng loạt bị can. Sáng 28/4/2020, Viện KSND tỉnh Đắk Lắk cho biết đã phê chuẩn các quyết định khởi tố hình sự, bắt tạm giam các bị can liên quan vụ án đấu thầu mua thuốc chữa bệnh xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk, và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk vừa thi hành các Quyết định này. Có 10 cán bộ bị khởi tố, 6 người có quyết định bắt tạm giam vào chiều tối 27/4/2020. 

(Dân Trí) – Tăng mạnh khai thác hàng không nội địa, bỏ giãn cách ghế trên máy bay. Cục Hàng không Việt Nam vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép tăng tần suất chuyến trên các đường bay nội địa; gỡ bỏ giãn cách 1 ghế ngồi để khai thác theo cấu hình máy bay.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không từ ngày 23/4 – 25/4 đạt hơn 10.000 khách/ngày, bằng khoảng 11% so với giai đoạn trước khi có dịch – tháng 1/2020.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao dịp 30/4, trước mắt, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị bổ sung tần suất khai thác trong giai đoạn từ 29/4-30/4.

Cụ thể, trục Hà Nội – TP.HCM tăng thêm 4 chuyến bay khứ hồi/ngày, nâng tổng số khai thác lên 24 chuyến bay khứ hồi/ngày. Chặng Hà Nội/TP.HCM – Đà Nẵng tăng thêm 2 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay, thành 8 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay. Các đường bay nội địa khác tăng thêm 4 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay.

Tin thế giới:

(Vnexpress) Covid-19 gây biến chứng hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Một số bệnh nhi Covid-19 bị sốc nhiễm khuẩn, đau bụng, tiêu chảy và viêm mạch máu Kawasaki – một biến chứng hiếm gặp. Báo cáo được Hiệp hội Chăm sóc Tích cực (PICS) và Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) Anh đưa ra hôm 26/3. Theo đó, một số trẻ em mắc Covid-19 nghiêm trọng có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn và sốt Kawasaki (viêm mạch máu). 

Bệnh Kawasaki là tình trạng sốt cấp kèm phát ban toàn thân ở trẻ nhỏ, viêm động mạch vành cung cấp máu cho tim.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nhận định hiện vẫn còn nhiều thông tin chưa sáng tỏ xung quanh Covid-19, song số ca dương tính ở trẻ em của nước này tương đối thấp. Bệnh hầu hết lây lan và chuyển nặng ở người trưởng thành, người già.  

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cũng trấn an phụ huynh, cho rằng nguy cơ trẻ em phát triển tình trạng viêm mạch máu sau khi nhiễm Covid-19 là tương đối thấp.

(Tuổi Trẻ) – Mỹ siết chặt xuất khẩu, ngăn công nghệ rơi vào tay quân đội Trung Quốc. Quy định mới của Mỹ mới công bố ngày 28/4 xem các công ty, cho dù là dân sự nhưng miễn là có làm ăn với quân đội Trung Quốc, đều trở thành công ty của quân đội Trung Quốc và nằm trong danh sách hạn chế xuất khẩu.Theo Hãng tin Reuters, quy định mới này sẽ yêu cầu các công ty Mỹ xin giấy phép nếu muốn bán một số thiết bị công nghệ, linh kiện bán dẫn cho Trung Quốc. Điều này nhằm ngăn việc công nghệ Mỹ được bán cho các công ty dân sự Trung Quốc nhưng người dùng và hưởng lợi cuối lại là quân đội Trung Quốc. 

(Tuổi Trẻ) – Nghị sĩ Mỹ đề nghị không cho sinh viên Trung Quốc học khoa học, công nghệ ở Mỹ. Theo trang The Hill, trả lời phỏng vấn Đài Fox News ngày 26/4, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton cho rằng các sinh viên Trung Quốc muốn du học tại các trường đại học Mỹ nên bị giới hạn chỉ học trong các ngành khối xã hội nhân văn.

Những phát biểu của ông Cotton chỉ là một vài trong số những ý kiến gần đây kêu gọi cần có những động thái trả đũa Trung Quốc liên quan các cáo buộc cho rằng chính quyền nước này kiểm soát dịch bệnh Covid-19 không tốt, thậm chí che giấu dịch bệnh.

(Vnexpress) – Ấn Độ muốn trả kit xét nghiệm nCoV cho Trung Quốc. Giới chức Ấn Độ hôm 27/4 thông báo kết luận kit xét nghiệm của hai công ty Trung Quốc là Công ty Công nghệ Sinh học Wondfo Quảng Châu và Công ty Công nghệ Chẩn đoán Livzon Chu Hải cho kết quả không đồng nhất, đề nghị trả chúng cho nhà sản xuất.

Ấn Độ tháng này đặt hàng hơn 500.000 kit xét nghiệm Covid-19 từ Trung Quốc. Economic Times hôm 16/4 dẫn nguồn tin cho hay khoảng 50.000 trong tổng số 170.000 bộ đồ bảo hộ y tế xuất xứ Trung Quốc cũng không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của Ấn Độ

(Vnexpress) – Hơn 700 người Iran chết do uống rượu độc diệt nCoV. 728 người Iran tử vong từ từ ngày 20/2 đến ngày 7/4 sau khi uống rượu methanol độc hại vì nghĩ rằng đây là phương thuốc chữa khỏi Covid-19. Ngộ độc rượu đã tăng gấp 10 lần tại Iran trong bối cảnh Covid-19 đang bùng phát tại quốc gia này. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran, Kianoush Jahanpour, cho biết 5.011 người đã bị ngộ độc rượu, trong đó khoảng 90 người đã mất thị lực hoặc bị tổn thương giác mạc. Hassanian cho biết số người mất thị lực do ngộ độc rượu có thể tăng thêm rất nhiều.

(Vnexpress) – Trump: Số tiền đòi Trung Quốc bồi thường Covid-19 sẽ rất lớn. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói có thể yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại vì Covid-19 và số tiền đang được thảo luận rất lớn.

“Chúng tôi không vui với Trung Quốc. Chúng tôi không vui với tình hình chung bởi chúng tôi tin rằng có thể ngăn chặn nó tại nguồn. Nó có thể đã được chặn đứng nhanh chóng và không lan rộng ra toàn thế giới”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 27/4 (giờ địa phương).

Một bài xã luận mới được xuất bản gần đây tại Đức kêu gọi Trung Quốc bồi thường 165 tỷ USD vì thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra. Khi được hỏi liệu Mỹ có cân nhắc làm điều tương tự không, ông Trump nói “có thể làm điều gì đó dễ dàng hơn thế nhiều”.