Từ sau Tết, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Theo các đơn vị, với mức giá thuê mặt bằng như hiện nay, họ đều thua lỗ, đứng trước nguy cơ đóng cửa hàng loạt. Trước trình trạng đó, nhiều chủ nhà đã đồng hành cùng với người thuê, giảm giá trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh.

Trong nhiều năm, phân khúc bất động sản thương mại được mệnh danh là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều hộ kinh doanh. Thế nhưng, hiện nay, do tác động của nhiều yếu tố đặc biệt là dịch COVID-19, phân khúc này đang suy yếu, giá trị thuê mặt bằng cũng bắt đầu hạ nhiệt.

Theo ghi nhận của VnExpress, tại TP.HCM, đối với các nhà phố rao thuê tại các khu phố nổi tiếng về ẩm thực như Phan Xích Long (Phú Nhuận), Hồ Tùng Mậu và Ngô Đức Kế (quận 1), để thu hút khách thuê, chủ nhà chào giá thuê giảm 10-20% so với cuối năm 2019. Có những trường hợp chủ tài sản linh hoạt cho thuê theo diện tích khách mong muốn, thay vì bắt buộc thuê nguyên căn như trước đây.

Đầu năm 2020, với tác động Nghị định100 về xử phạt với người uống rượu bia mà vẫn lái xe có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, ngành ẩm thực đón cú sốc đầu tiên. Sau Tết, dịch COVID-19 dần lan rộng đã giáng thêm cú sốc kép lên ngành ẩm thực. Chỉ trong tháng 2, doanh thu một số nhà hàng đã giảm lên đến 50% so với các tháng trước. Sự bùng phát dịch bệnh là bước ngoặc khiến các khách thuê mảng ẩm thực thay đổi chiến lược kinh doanh và chủ nhà phố cần xem xét điều chỉnh giá thuê phù hợp hơn.

Một tiệm thức uống tại Q.1, TP.HCM thông báo tạm đóng cửa trong mùa dịch COVID-19 (ảnh đăng trên Tuổi trẻ).

Là chủ một chuỗi nhà hàng chuyên về đồ Tây với nhiều chi nhánh trong cả trung tâm thương mại ở Phú Mỹ Hưng và nhà phố mặt tiền tại quận 1, quận 5, TP.HCM, anh Hoàng cho Zing biết anh chưa từng lo cảnh thiếu khách.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán đã làm xáo trộn kế hoạch kinh doanh cả năm của công ty anh. “Lượng khách giảm khá mạnh, riêng nhà hàng thuê trong 2 TTTM ở Phú Mỹ Hưng chịu ảnh hưởng nhất, giảm 40-50%”, anh Hoàng nói.

Trao đổi với VietNamNet, anh Nguyễn Đức Tuấn, chủ một chuỗi đồ ăn tại Hà Nội cho hay, chủ nhà cho thuê của anh vừa thông báo giảm giá 3 tháng tiền thuê nhà. Với mức hỗ trợ này, anh Tuấn đã tiết kiệm chi phí lên tới 210 triệu đồng. Anh đang thuê một căn mặt tiền tại quận Đống Đa để mở hàng ăn uống với mức giá 70 triệu đồng/tháng.

“Đây là một hành động thiết thực trong bối cảnh này”, theo anh Tuấn, nếu không có sự hỗ trợ từ phía chủ nhà, anh sẽ đóng cửa một số quán có nguồn doanh thu không hiệu quả trong thời gian tới. Chủ nhà còn nhắn nhủ tôi đừng băn khoăn, tập trung lo quán vững qua mùa dịch, còn sống sót thì còn tính toán đường dài với nhau.

VnExpress dẫn kết quả khảo sát về ảnh hưởng nCoV đối với thị trường bán lẻ TP.HCM do Savills Việt Nam thực hiện, giá thuê nhà mặt phố và mặt bằng kinh doanh tại Sài Gòn sụt giảm mạnh do tình hình bán buôn ế ẩm.

Với các nhà phố đang cho thuê, một số gia chủ chấp nhận miễn phí ít nhất 1 tháng tiền nhà cho khách thuê kinh doanh nhà hàng. Thậm chí, có gia chủ còn giảm 30-50% giá thuê trong ngắn hạn với khối kinh doanh cửa hàng tiện ích.

Nhiều cửa hàng tai hà Nội đóng cửa hoặc treo biển sang nhượng – ảnh trên Dân trí.

Chị Thu Hải, chủ một shop kinh doanh ở Hà Nội cũng nhận được tin hỗ trợ tiền thuê nhà của phía cho thuê sau khi đàm phán. Theo hợp đồng, sau ba năm, mức giá thuê sẽ tăng lên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chủ nhà chấp nhận giữ nguyên mức giá thuê cho khách tới hết 2020.

Không chỉ phía chủ nhà mà các doanh nghiệp lớn cũng giảm giá thuê mặt bằng cho khách hàng. Công ty vận hành một chuỗi thương mại vừa công bố dành 300 tỷ đồng hỗ trợ các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống.

Ông Phan Văn Việt, chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean), cho biết nhà cho thuê mặt bằng bán lẻ trong trung tâm thương mại Diamond (Q.1, TP.HCM) đã quyết định áp dụng giảm 50% giá thuê mặt bằng. Việc giảm giá này đã được áp dụng trong tháng 2 vừa qua.

VietNamNet đăng ảnh Trung tâm thương mại giảm giá cho khách thuê.

Mặt bằng cho thuê tại các tỉnh/thành phố du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long, các tỉnh gần biên giới có mức độ ảnh hưởng lớn nhất, tiếp theo là hai đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành khác.

Đánh giá của các chuyên gia

Thông tin trên Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, bất động sản thương mại đã không còn giữ vị trí độc tôn so với 10 năm trước. Thay vào đó, nhu cầu mua sắm trực tuyến đang bùng nổ và đang chứng tỏ ưu thế vượt trội, hiệu quả hơn rất nhiều so với việc thuê mặt bằng để mở cửa hàng.

Hơn nữa, do tác động tiêu cực từ COVID-19, không riêng bất động sản mà tất cả nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn. Trong giai đoạn khó khăn này, chủ nhà chấp nhận hạ giá thuê mặt bằng cũng chính là một cách tự cứu lấy mình.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá, ngay cả khi dịch bệnh được khống chế trong thời gian tới, giá cho thuê cũng khó mà tăng trở lại như trước dịch vì kinh tế bị ảnh hưởng nặng và người dân cần thời gian hồi phục. Nếu bị trả lại mặt bằng thì việc kiếm khách hàng mới trong 2-3 tháng tới là khó. Giá thuê mới chắc cũng thấp hơn giá đang cho thuê hiện nay. Vì vậy, giảm giá thuê từ 10-50% với khách hàng hiện tại là hành động đem lại lợi ích cho cả hai phía.

Nhận định về sự hồi phục của bất động sản thương mại, Savills Việt Nam cho rằng, trước tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp của Covid-19 trong những tháng đầu năm 2020 và dự kiến kéo dài trong vài tháng tới, nếu Việt Nam kiểm soát được dịch COVID-19 vào mùa hè (khoảng tháng 6, tháng 7), thì nửa cuối năm 2020 sẽ nhận được tín hiệu tốt của thị trường.