Nêu diễn biến dịch trên thế giới và tại Việt Nam, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, tình hình dịch Covid-19 đang có nguy cơ lây nhiễm rất cao ra ngoài cộng đồng và “cửa an toàn của chúng ta ngày càng hẹp hơn”.

Tờ VnExpress dẫn cảnh báo của Chủ tịch Hà Nội trong buổi họp phòng, chống dịch chiều 25/3 cho biết, “Hà Nội hiện có 4 nguồn lây nhiễm lớn gồm lây nhiễm chéo và xuất phát ổ dịch bệnh từ bệnh viện Bạch Mai; từ các nguồn khách du lịch và người Việt Nam từ nước ngoài về nước; những người có bệnh mà chưa bị phát hiện và nguồn lây từ các nhân viên y tế”.

Về nguồn lây thứ nhất, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã có 2 điều dưỡng và một bệnh nhân dương tính với viêm phổi Vũ Hán. Bệnh viện này đã cách ly 252 người (bao gồm 162 nhân viên và học viên, 36 bệnh nhân và 54 người chăm sóc bệnh nhân) tại khoa Thần Kinh, lấy mẫu xét nghiệm nCoV. Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch làm xét nghiệm sàng lọc nCoV cho tất cả nhân viên bệnh viện (gần 4.000 người) và gần 1.000 bệnh nhân đang điều trị tại đây. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội điều tra các trường hợp có liên quan để áp dụng biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Để hạn chế nguồn lây thứ hai, thành phố đã rà soát trên 3.000 người nhập cảnh qua sân bay Nội Bài, lấy mẫu xét nghiệm trên 2.000 trường hợp. Gần 1.000 trường hợp đã có kết quả, trong đó phát hiện có 4 trường hợp dương tính. Nếu tính theo tỷ lệ rà soát và phát hiện số ca bệnh trên, còn ít nhất hàng chục trường hợp dương tính mà chưa kịp phát hiện và vẫn đang sinh hoạt trong thành phố.

Nguy cơ lây nhiễm khi chở người nhập cảnh từ sân bay về khu cách ly – ảnh trên Zing.

Theo ông Chung, nguồn lây thứ 3 là người có bệnh mà chưa bị phát hiện có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng khi người dân không thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang. “Tôi vẫn thấy còn nhiều người không đeo khẩu trang khi đi đường, vẫn có tình trạng tụ tập đông người như cúng lễ mùng 1 Âm lịch, các quán cafe không đóng cửa và khách ngồi sát nhau. Mọi người hạn chế tối đa việc ra đường; nếu ra đường, tuân thủ quy định đeo khẩu trang và giữ khoảng cách từ 2 đến 3 m với người xung quanh”, ông Chung cảnh báo.

Ngày 23/3, một điều không mong muốn đã xảy ra: bệnh nhân nhiễm corona thứ 116 của VN là một bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã bị lây bệnh Covid-19, trước đó là 2 điều dưỡng Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Bác sĩ và nhân viên y tế là những người khám chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân, vậy là nhân viên y tế cũng có nguy cơ trở thành nguồn lây bệnh. 

Để giảm thiểu nguồn lây nhiễm từ nhóm thứ 4 từ nhân viên y tế này và đồng thời bảo vệ họ, bệnh viện yêu cầu dùng găng tay, khẩu trang, mũ, bốt bọc giày dép toàn bộ thời gian trong bệnh viện đang được áp dụng nghiêm, các hội thảo, hội nghị trực tiếp cũng cần hạn chế để thay bằng họp trực tuyến. Tại các khu vực nguy cơ cao, như phòng khám khoa hô hấp, khoa cấp cứu, khu vực khám ban đầu cho người nghi nhiễm nCoV, nhân viên y tế sẽ bỏ khẩu trang lại khu cách ly và dùng khẩu trang mới khi ra ngoài. 

Bệnh nhân 86 là nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai đang được điều trị – ảnh trên Zing.

Trước đó chia sẻ với Zing sáng 25/3, ông Nguyễn Đức Chung lo ngại trước diễn biến dịch Covid-19 đang ngày càng trở nên phức tạp, nhất là trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu “tất cả các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu đóng cửa đến hết 5/4, trừ các cửa hàng xăng dầu bán lẻ, thuốc chữa bệnh, rau củ quả, lương thực thực phẩm”. Thành phố chỉ để 20% các phương tiện vận tải công cộng hoạt động. Người dân không nên sử dụng phương tiện công cộng, nên dùng phương tiện cá nhân.

Hà Nội đã yêu cầu tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ kinh doanh không cần thiết như: dịch vụ karaoke, massage, bar, vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, sân vận động, các môn thể thao đông người…

Thành phố cũng khuyến cáo người dân hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại các đám hiếu, hỷ, giỗ, liên hoan sinh nhật; khuyến khích người dân ờ nhà, làm việc, học tập trực tuyến… Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không tồ chức các hoạt động có tập trung đông người.

Dẫn lời Thủ tướng về 1-2 tuần tới là thời gian quyết định có chiến thắng dịch bệnh hay không, ông Chung cho rằng nếu ngăn chặn được dịch thì con đường an toàn sẽ rộng mở. Ngược lại, cánh cửa an toàn sẽ dần hẹp lại.