Chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Thị Hà (Viện Đại học Y Hà Nội) bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy người người thi nhau khuân mì tôm về tích trữ.

Cho biết trên báo Tiền Phong, chị Hà nói, mì tôm được xếp vào nhóm “thực phẩm rác” vì xét theo cán cân lợi và hại, rõ ràng nó có nhiều tác hại hơn là lợi ích đối với cơ thể. Người ta thường chỉ dùng mì tôm cho những trường hợp cần nhanh và tiện. Trong khi rõ ràng, ở nhà tránh dịch không nằm trong hạng mục này. Vì vậy, theo chuyên gia, thay vì mì tôm, chúng ta có thể chọn dự trữ một số loại thực phẩm sau:

Bí ngô: Đây cũng là loại thực phẩm có thể đứng độc lập làm món chính vì mỗi 100 gram bí ngô chứa 5,3g carbohydrate. Mặt khác, bí ngô cũng giàu beta caroten, một tiền chất của vitamin A có tác dụng lớn đối với việc nâng cao hệ miễn dịch, làm sáng mắt, ngăn ngừa quá trình oxy hóa và ung thư.

Khoai lang: Vừa hay, đây đang là chính mùa khoai lang, chợ nào cũng bán với giá tương đối rẻ, chỉ từ 20-30.000/kg. Ăn khoai lang vừa tốt cho sức khỏe, lại có thể giúp đỡ nông dân không phải bán tống bán tháo. Khoai cũng là loại thực phẩm có thể để lâu và thay thế được thực phẩm chính như cơm, mỳ, phở…

Theo Đông y, khoai lang có tính bình, vị ngọt, có tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, tiêu viêm… Những nghiên cứu dinh dưỡng cho biết, thành phần chính của khoai lang là tinh bột, vitamin A, C và các khoáng chất có lợi như canxi, kali, magie… có khả năng đốt cháy và tiêu mỡ thừa. Bên cạnh đó, khoai lang còn sở hữu một lượng lớn chất xơ có tác dụng trong việc thúc đẩy tiêu hóa, giảm đau đớn, giảm viêm nhiễm các vết lở loét và tăng cường hệ miễn dịch. Chưa kể một số protein trong khoai lang có khả năng chống ôxy hóa rất cao, có tác dụng trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư.

Khoai lang có thể luộc, hấp, nấu canh, làm bánh và dùng như một loại thực phẩm chính trong bữa ăn.

Ảnh dẫn từ VietNamForestry.

Yến mạch: Đây là nguồn cung cấp vitamin nhóm B, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Hơn nữa, yến mạch chứa chất chống oxy hóa cao, cung cấp sắt, kẽm, canxi, protein và nhiều dinh dưỡng khác giúp bổ máu và tim. Đặc biệt nó giúp giảm cholesterol và ngăn mầm mống gây ung thư.

Cháo yến mạch ăn vào buổi sáng hoặc tối còn có tác dụng giảm cân, khiến cơ thể no nhanh mà vẫn cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.

Bên cạnh đó, để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể giữa mùa dịch này thì trong bữa ăn gia đình bạn nên nạp thêm:

– Các loại trái cây giàu vitamin C như: cam quýt như bưởi, cam, chanh… Trung bình 60 ml nước cam chứa 50 mg vitamin C; 80 g cam tươi chứa 30 mg vitamin C. Ổi cũng là loại trái cây giàu vitamin C, với hàm lượng 37 mg/ 60 g quả tươi. Ngoài ra, dâu tây, kiwi, đu đủ, súp lơ, ớt chuông… cũng là những loại rau quả chứa nhiều dưỡng chất này.

– Các loại gia vị trong nấu nướng như: Hành, gừng, tỏi… Gừng có tác dụng giảm viêm, giảm đau họng, trị ho, giải cảm hàn… Trong khi đó, tỏi là loại củ nhỏ nhưng có võ nhờ giàu phytonutrient, garlicin và selen – những chất giúp cơ thể tăng cường miễn dịch và chống nhiễm trùng.

Các thực phẩm giàu protein và khoáng chất: Protein là chất cơ bản kiến tạo cơ thể, chiếm 18% thể trọng con người. Bổ sung đầy đủ protein là cách giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng sức đề kháng, đặc biệt ở trẻ nhỏ – đối tượng có nhu cầu protein gấp đôi người lớn. Trong khi đó, các khoáng chất như kẽm, canxi, sắt… cần thiết để kích thích sự phát triển tế bào bạch cầu – cơ quan nhận diện và tiêu diệt vi khuẩn, virus xâm nhập cơ thể.