Khu vực Biển Đông đang đối mặt với nguy cơ bùng nổ xung đột khi các nước trong khu vực tăng cường vũ trang với tốc độ ”đáng báo động”, theo một chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Trong chương trình ”Squawk Box Asia” của đài CNBC, ông Nan Tian, ​​một nhà nghiên cứu cấp cao về chi tiêu quân sự tại SIPRI, cho biết chi tiêu quân sự trên toàn thế giới lần đầu tiên vượt quá con số 2 nghìn tỷ đô la vào năm 2021.

Các nước quanh khu vực Biển Đông cũng tăng cường quân sự ở mức “báo động”, theo ông Nan.

“Khu vực này đang trang bị vũ khí ở mức báo động”, ông Tian nói. Nhà nghiên cứu cho biết có tình trạng các nước đua nhau mua sắm khí tài; nước này tăng, thì nước kia cũng tăng theo.

Ông Tian cho biết việc Trung Quốc gia tăng chi tiêu quân sự đã khiến các nước trong khu vực cảm thấy “mối đe dọa lớn hơn”.

Ông nói: “Điều này đã dẫn đến việc các nước láng giềng như Singapore, Nhật Bản, Australia và Đài Loan mua rất nhiều công nghệ mới, chẳng hạn như tàu ngầm hạt nhân và hệ thống tên lửa chính xác.”

Ông Tian cũng đề cập đến mối đe dọa mà Triều Tiên gây ra đối với khu vực và thế giới. Ông nói: “Triều Tiên đang thử nghiệm và phát triển vũ khí hạt nhân, đây là mối quan ngại lớn hơn, không chỉ của khu vực mà là toàn thế giới”.

Nước nào chi tiêu nhiều nhất cho quân sự?

Ông Tian cho biết: Trên toàn cầu, tổng chi tiêu quân sự lần đầu tiên vượt qua con số 2 nghìn tỷ USD. ″Đây là mức cao nhất từng được ghi nhận”, ông Tian nói.

Trong đó, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ là ba quốc gia chi tiêu quân sự nhiều nhất vào năm 2021. Anh và Nga lần lượt là những nước chi tiêu nhiều thứ 4 và thứ 5.

Giới quan sát nhận định Trung Quốc lợi dụng tình hình Ukraine để tăng cường kiểm soát Biển Đông (ảnh chụp màn hình CGTN).
Giới quan sát nhận định Trung Quốc lợi dụng tình hình Ukraine để tăng cường kiểm soát Biển Đông (ảnh chụp màn hình CGTN).

Lượng tiền chi tiêu cho quân sự tăng kỷ lục, trong khi các nước đều chịu khó khăn vì dịch bệnh, suy thoái kinh tế.

Ông Tian cũng cho biết chi tiêu quân sự vượt xa chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe hoặc giáo dục.

Ông nói rằng cuộc chiến tranh tại Ukraine sẽ còn làm chi tiêu quân sự của thế giới tăng cao hơn nữa. Ông cho biết Đức, Thụy Điển và Romania đã công bố các khoản chi tiêu nhiều hơn.

Ông nói: “Các quốc gia này sẽ tìm cách hiện đại hóa quân đội, mua thêm hệ thống vũ khí, trang thiết bị và điều này có nghĩa là sẽ có nhiều đơn đặt hàng hơn cho các công ty sản xuất vũ khí lớn nhất như Lockheed Martin, Boeing và BAE”.

Nguy cơ xung đột ở Biển Đông

Diễn biến tăng chi quân sự trên toàn thế giới làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột tại các điểm nóng trên thế giới, trong đó có Biển Đông.

Ông Tian cho biết các nước đang dành một lượng lớn nguồn lực tài chính cho các lực lượng quân sự của mình ở khu vực Biển Đông. Điều này làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột nếu có sự cố hay tính toán sai lầm nào đó ở Biển Đông.

Ông Tian nói: “Một tính toán sai lầm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng”, khi các nước tăng mua vũ khí và phân bổ cho Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Tian cho rằng các tổ chức như Liên Hợp Quốc cần làm việc để đảm bảo rằng “việc gia tăng chi tiêu quân sự không vượt quá tầm kiểm soát và làm gia tăng các cuộc xung đột tiềm tàng”.