Sau khi hoàn tất sáp nhập, 34 tỉnh-thành mới với quy mô dân số lớn đang mở ra cơ hội lớn cho ngành thể thao Việt Nam, đặc biệt là về nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất.

Gia tăng dân số tạo lợi thế đầu vào cho thể thao

Việt Nam hiện chỉ còn 34 tỉnh, thành phố sau khi điều chỉnh địa giới hành chính. Đây được xem là thay đổi mang tính chiến lược cho nhiều lĩnh vực, trong đó có thể thao. Dù không bị ảnh hưởng trực tiếp như các ngành quản lý công, nhưng thể thao vẫn có thể tận dụng nhiều cơ hội từ quá trình sáp nhập.

Một trong những lợi thế rõ rệt nhất là sự gia tăng dân số cơ học tại các tỉnh-thành mới. Dân số trung bình của mỗi địa phương giờ đây dao động từ 1,5 triệu đến 5 triệu người – con số lý tưởng cho việc tuyển chọn, phát hiện và đào tạo vận động viên thể thao đỉnh cao.

Tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả đầu tư

Trước đây, các tỉnh ít dân gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng chiến lược phát triển thể thao dài hạn do thiếu “đầu vào” và ngân sách hạn chế. Việc người dân di cư, lao động xa càng khiến việc tổ chức phong trào thể thao trở nên mong manh.

Tuy nhiên, sau sáp nhập, bài toán này được giải quyết. Ví dụ, TP.HCM hiện mở rộng bao gồm cả Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, hai địa phương có dân số đông và phong trào thể thao phát triển. Việc này không chỉ giúp TP.HCM mới khai thác nguồn lực tại chỗ mà còn giảm đáng kể chi phí tuyển chọn vận động viên từ nơi khác.

Tương tự, các tỉnh trước đây vốn “trắng” thể thao như Quảng Ngãi – Kon Tum, Lâm Đồng – Đắk Nông hay Quảng Trị – Quảng Bình… giờ đây có thể xây dựng đội bóng chuyên nghiệp, mở rộng phong trào và thậm chí góp mặt tại các giải vô địch quốc gia.

Cơ sở vật chất và quy hoạch sẽ cần đồng bộ hơn

Một khi quy mô dân số đã tăng, yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ thể thao cũng sẽ kéo theo. Các địa phương mới buộc phải đầu tư đồng đều để đảm bảo người dân có điều kiện tập luyện, thi đấu, tạo sự cân bằng trong ngân sách đầu tư.

Tuy vậy, không phải cơ hội nào cũng dễ chuyển hóa thành lợi thế thực tế. Nhiều địa phương sẽ còn vướng những ưu tiên khác trong giai đoạn đầu sau sáp nhập. Ngân sách thể thao vẫn là bài toán chưa dễ giải.

Song nhìn dài hạn, sự gia tăng dân số, tiết kiệm chi phí, và khả năng đào tạo vận động viên tại chỗ sẽ giúp thể thao Việt Nam xây dựng một nền tảng bền vững hơn. Không còn cảnh “chảy máu tài năng” từ tỉnh nghèo sang tỉnh giàu, cũng không còn tình trạng chỉ vài địa phương có thể phát triển thể thao đỉnh cao.

Nếu tất cả 34 tỉnh-thành đều phát triển phong trào lẫn thể thao thành tích cao, thì đó chính là cốt lõi để Việt Nam tiến xa trên đấu trường quốc tế.

Theo: Thể Thao Văn Hóa