Đó là hai trong số những thông tin kinh tế đáng chú ý từ ngày 18 – 19/5.

Thai Airways nộp đơn xin phá sản

Theo Bangkok Post, phát ngôn viên Chính phủ Narumon Pinyosinwat đã thông báo với giới báo chí rằng Ủy ban Chính sách doanh nghiệp nhà nước đã đồng ý với kế hoạch nộp đơn xin phá sản của Thai Airways, dự kiến sẽ được Nội các xem xét vào 19/5.

Thai Airway là hãng hàng không quốc gia Thái Lan, được thành lập vào năm 1960, sở hữu chính là Bộ Tài chính của Thái Lan. Theo dữ liệu thống kê từ Bloomberg, Thai airways có khoản nợ tồn đọng 92 tỷ Bath, trong đó 78% là nợ các nhà đầu tư trái phiếu.

Hậu Covid-19, Thai Airways đối mặt chuỗi ngày buồn (ảnh: eturbonews).

Hãng hàng không này gần như đã liên tục báo lỗ bắt đầu từ năm 2013. Cho đến khi dịch Covid19 bùng phát thì được cho là đòn giáng mạnh cuối cùng vào hãng hàng không đang phải loay hoay trong vấn đề tìm lời giải cho bài toán hiệu suất và lợi nhuận.

Giá cổ phiếu của hãng đã giảm 13% vào đầu tuần này thấp nhất trong 1 tháng qua, và giảm 90% giá trị so với giá tại mức đỉnh vào năm 1999.

Nhà mạng bước vào thị trường thanh toán không có đối thủ

Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn online, đầu tháng 5, Ngân hàng nhà nước đã trình văn bản về triển khai việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các giao dịch có giá trị nhỏ hay còn gọi là Mobile Money. Dự kiến sẽ được áp dụng vào tháng 6.

Mobile Banking hay thanh toán di động  là việc người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại di động để thanh toán cho một loạt các dịch vụ và hàng hóa kỹ thuật số thay vì thanh toán bằng tiền mặt, séc hoặc thẻ tín dụng.

Ảnh minh họa (nguồn: shutterstock)

Với tỷ lệ sử dụng điện thoại cao hơn tỷ lệ tài khoản ngân hàng thì việc thí điểm Mobile money vào tháng 6 sẽ giúp các công ty viễn thông có được một lượng lớn khách hàng tiềm năng khi phát triển dịch vụ thanh toán và các sản phẩm tài chính. Với lợi thế cơ sở hạ tầng trải khắp quốc gia và xuyên quốc gia, các công ty viễn thông có thể dễ dàng đưa các sản phẩm tài chính đến tận những vùng xa xôi, hẻo lánh.

Tuy nhiên, ngoài rất nhiều lợi ích như thuận tiện, nhanh chóng, không tốn chi phí triển khai như các sản phẩm tài chính của Ngân hàng, thì các công ty sẽ phải đối diện với rủi ro gian lận, rủi ro công nghệ rất cao.

Vàng đảo chiều, giá dầu cổ phiếu tăng nhờ thông tin tích cực về vacxin chống Covid-19

Theo VOV, Công ty Công nghệ Moderna vừa công bố  thử nghiệm vaccin chống Covid 19 cho kết quả khả quan.

Ngay sau khi công bố, giá cổ phiếu của công ty tăng 20%. Cùng ngày, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 3,9%, chỉ số S&P 500 tăng 3,2%, trong khi chỉ số  Nasdaq tăng 2,4%.

Cùng với sự tăng giá của cổ phiếu, giá dầu và nhiều mặt hàng khác cùng đồng loạt khởi sắc. Giá dầu thô và khí tự nhiên kỳ hạn tăng khoảng 8%, giá kỳ hạn các mặt hàng kim loại như đồng tăng 3%, quặng sắt tăng 5.4%. Giá đường thô kỳ hạn tăng 4%, giá cafe Arabica tăng khoảng gần 1%.

Ngược chiều với các mặt hàng trên, giá vàng bắt đầu quay đầu giảm giá. Giá vàng thế giới chốt phiên 18/5 giảm 10,2 đô la Mỹ  xuống còn 1.732 đô la Mỹ/ounce. Cùng xu thế này, giá vàng trong nước giảm mạnh từ 250.000-430.000 đồng/lượt vào phiên giao dịch sáng 19/5. Hiện giá vàng SJC niêm yết tại mức mua vào là 48.650.000 đồng và bán ra ở mức 49.120.000 đồng/lượng.

Đâu là những bến đỗ của Apple khi xây dựng chuỗi cung ứng?

Theo CafeF, giai đoạn hậu Covid19 đã xuất hiện làn sóng di dời lớn ra khỏi Trung Quốc của các nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới, trong đó cái tên đáng chú ý nhất là Apple.

Đầu tháng 5, Apple đã phát đi thông điệp sẽ di dời khỏi Trung Quốc một phần đáng kể chuỗi cung ứng. Ngoài Việt Nam có rất nhiều cái được đánh giá là bến đỗ tiềm năng của Apple như Ấn Độ, Mexico, Indonesia, Malaysia. 

Ấn Độ đang được xem là thị trường tiềm năng nhất với  thị trường rộng lớn 1,2 tỷ dân cùng chi phí nhân công rẻ. Ngoài ra, gần đây Chính phủ Ấn Độ cũng đưa ra hàng loạt các chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là các doanh nghiệp của Mỹ. Ước tính khoảng 300/1000 công ty đã bắt đầu dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Ấn Độ.

Trước đó, Pegatron – đối tác lắp ráp của Apple cũng đã có kế hoạch xây dựng cơ sở mới tại Việt Nam.

Để có thể tận dụng được cơ hội này, thì đây là câu hỏi lớn đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách trong thời gian tới làm thế nào để có thể thu hút làn sóng các nhà đầu tư di dời khỏi Trung Quốc, và cạnh tranh với các thị trường khác đặc biệt là Ấn Độ.