Đối thủ dùng chiêu ông Park hạ ông Park – Ai dám tiên phong phá trận đồ?
Các đối thủ cửa dưới (hoặc ngang cơ) đang dùng chính chiêu của ông Park để làm khó vị HLV người Hàn Quốc và học trò. Nếu U23 Việt Nam không có cá nhân dám đột phá, mọi sự e rằng rất khó.
Dùng chiêu ông Park hạ ông Park
Ngay sau chiến thắng trước U23 Philippines 3-2, HLV Veliza Popov của Myanmar quay sang ca ngợi U23 Việt Nam rằng, đây là đội tuyển hay nhất giải này và có tới 99% cơ hội vào bán kết.
Sự tán dương này có thể làm mát lòng nhiều người hâm mộ, nhưng nên được thầy trò HLV Park-Hang-seo đón nhận như gáo nước lạnh để tỉnh táo hơn. Phát biểu của ông Veliza Popov cho thấy, ông không thuộc dạng bốc đồng. Myanmar thực sự coi Việt Nam là cửa trên, và họ sẽ đá với một chiến thuật của đội cửa dưới: phòng ngự kiên trì, đeo bám quyết liệt và rất khó xuyên thủng. Để dễ hình dung, có thể lấy thế trận mà đội tuyển Indonesia áp dụng tại vòng bảng AFF 2020 và U23 Philippines dùng ở trận tối 8/5 khi đối phó với HLV Park làm ví dụ.
U23 Myanmar sẽ không cần học ở đâu xa, họ chỉ cần làm như U23 Philippines, dùng đội hình 5-4-1 để làm khó Việt Nam. Trên thực tế, sơ đồ đội hình này cũng không phải là phát minh mới mẻ của Philippines để đối phó với ông Park; mà đây chính là sơ đồ yêu thích của HLV người Hàn Quốc dùng khi Việt Nam đá phòng ngự phản công. Với chiến thuật này, ông Park và các lứa học trò ở Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công. Tuy nhiên, khi trở về Đông Nam Á, bị đối phương dùng đúng chiêu này để khắc chế, ông Park và các học trò bối rối thực sự. Khi ấy, các cầu thủ dù nỗ lực song vẫn không thể ghi được bàn thắng và chấp nhận chia điểm trong một thế trận không có nhiều đường nét.
Ai dám tiên phong phá trận đồ?
Với tài năng của mình, ông Park không phải không nhận ra điều này. Tuy nhiên, chất lượng những cầu thủ trong tay khiến ông không dễ để bố trí một đội hình mang tới nhiều đột biến. Khó thay đổi tổng thể trong chốc lát, để xuyên thủng mảnh lưới của Myanmar và các đối thủ khác, có lẽ đội chủ nhà cần sự đột biến từ các cá nhân nổi trội. Trong đó, 3 cái tên nổi nhất vẫn là những cầu thủ lớn tuổi: Hùng Dũng, Hoàng Đức, Tiến Linh.
2 lượt trận đầu tiên cho thấy, Tiến Linh chưa đạt phong độ cao tại giải lần này. Đặc biệt, anh phung phí rất nhiều cơ hội trong trận gặp U23 Philippines. Khi bị áp sát, tiền đạo này dứt điểm vội và thiếu chính xác. Tiến Linh cũng không phải là mẫu cầu thủ đột phá kỹ thuật kiểu như Văn Toàn, Công Phượng hay Quang Hải để có thể kiếm về các quả đá phạt; song, số 9 U23 Việt Nam sở hữu vũ khí rất lợi hại đó là những cú sút xa. Điển hình là cú sút xa tuyệt đẹp vào lưới UAE ở trận lượt đi vòng loại thứ 2 World Cup trên sân Mỹ Đình, giúp Việt Nam giành thắng lợi 1-0. Nếu đạt sự tự tin và thoải mái cần thiết, những cú vung chân từ xa của Tiến Linh có thể gây đột biến trong những trận đấu tiếp theo.
Hoàng Đức và Hùng Dũng đều là những cầu thủ có kỹ thuật tốt, khả năng qua người và kiếm về các quả đá phạt. Dù gồng gánh tuyến giữa của đội, nhưng trong thế trận tấn công bế tắc, hai tiền vệ này có thể đá “cá nhân” và “ngẫu hứng” hơn, với các tình huống thọc sâu vào hàng phòng ngự đội bạn thay vì chuyền và nhả bóng trở lại. Hùng Dũng với sự nhanh nhẹn và thông minh vốn có, anh có thể xuất hiện ở những vị trí đối phương không ngờ và dứt điểm kỹ thuật giống như pha lập công trong trận gặp Indonesia. Với Hoàng Đức, tiền vệ này có thể tự tin hơn với những pha dứt điểm từ xa, hay nhận phần thực hiện những pha đá phạt – những thứ vốn là sở trường của QBV Việt Nam 2021.
Tất nhiên, để các cầu thủ có thể thoải mái thể hiện sở trường, HLV Park có lẽ cũng cần có những điều chỉnh linh hoạt hơn. Đặc biệt, là vấn đề tạo tâm lý để các cầu thủ được tiếp thêm sự tự tin – điều ông đã làm rất giỏi trong khoảng 3 năm đầu đến với bóng đá Việt Nam.