Trung tá Đặng Đình Đoàn mất chức Phó Công an phường Sông Bằng, buộc ra khỏi ngành công an và theo nhiều người dân thì “cần xử lý hình sự”.

Ngày 10/5, lãnh đạo công an tỉnh Cao Bằng ký quyết định cách chức Phó trưởng công an phường Sông Bằng (TP. Cao Bằng) và buộc “thôi phục vụ ở ngành công an”.

Trung úy Trịnh Việt Hoàng – công an phường Sông Bằng, người theo ông Đoàn đến tiệm cắt tóc, không bị kỷ luật nhưng phải tự “kiểm điểm, phê bình”. Hoàng được đánh giá là “trẻ, thiếu kinh nghiệm”. Khi ông Đoàn đánh người, Hoàng không tham gia cùng và cũng can ngăn trung tá phó phường.

Ông Đoàn tát người phụ nữ và bị camera ghi hình.
Ông Đoàn tát người phụ nữ và bị camera ghi hình.

Theo VnExpress, ông Đoàn và bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh (người gọi điện nhờ Đoàn đến tiệm làm tóc can thiệp) bị công an tỉnh xử phạt hành chính về hành vi Cố ý gây tổn hại sức khỏe của người khác và hành vi xúi giục, kích động người khác gây tổn hại sức khỏe người khác.

Việc trung tá Đoàn bị đuổi ra khỏi ngành được nhiều người ủng hộ. Một số người bình luận, ông Đoàn cần bị xử lý hình sự nếu bị hại có đơn đề nghị truy tố ông này về hành vi Hành hung và bắt giữ người trái phép hay tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

Độc giả trên VnExpress cho rằng việc không xử lý hình sự ông Đoàn "còn quá nhẹ" (ảnh chụp màn hình).
Độc giả trên VnExpress cho rằng việc không xử lý hình sự ông Đoàn “còn quá nhẹ” (ảnh chụp màn hình).

Xử lý hình sự: Hoàn toàn có cơ sở về luật

Từ góc độ pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, nói trên Zing: Hành vi của vị chỉ huy Công an phường Sông Bằng (Cao Bằng) đủ căn cứ cấu thành tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

Luật sư Tiền phân tích: Theo luật pháp Việt Nam hiện hành, cơ quan chức năng chỉ được phép bắt người phạm tội quả tang, bắt người theo lệnh truy nã, bắt bị can để tạm giam, bắt bị cáo để thi hành hình phạt tù, giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

Việc bắt người phải theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và phải được VKS cùng cấp phê chuẩn. Khi thực hiện bắt, lực lượng thực thi phải có lệnh bắt người, phải công bố lệnh và có sự giám sát của VKS cùng cấp. Đồng thời, người bị bắt có quyền được biết lý do mình bị bắt và được quyền khiếu nại.

Về trường hợp bắt người trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h hôm sau (ban đêm), luật sư Tiền trích dẫn khoản 3, Điều 113, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể: “Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã”.

Đối chiếu với sự vụ trên, ông Tiền cho rằng, nếu xử lý nặng, trung tá Đoàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 157 Bộ luật Hình sự.

Khung hình phạt đối với tội danh này từ 2 đến 7 năm tù.