Trước tình dịch Covid-19, nhiều người phải nghỉ làm, cắt giảm lương thì giá thực phẩm lại tăng mạnh. Trong đó, thịt lợn – thực phẩm quen thuộc của nhiều gia đình Việt nhảy vọt với giá cao khiến người dân không dám ăn.

Chia sẻ trên VieNamNet, chị Lê Hoàng Oanh ở Thanh Trì (Hà Nội) thở dài rồi nói: “Mấy tháng nay tôi không dám làm món sườn xào chua ngọt mà các con thích vì giá sườn lợn đắt đỏ. Nếu mua về làm món này cho cả nhà ăn chắc phải hết 300.000 đồng/bữa, quá sức so với thu nhập của nhà tôi”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương ở Thanh Oai (Hà Nội) cũng ngán ngẩm cho hay, mấy tháng nay nhà chị toàn chuyển sang ăn cá, trứng hay gà công nghiệp, thỉnh thoảng mới dám mua thịt lợn vì sợ thâm hụt chi tiêu. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, dịch Covid-19 khiến tiền sinh hoạt nhà chị tăng lên do phải mua nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang. Trong khi đó, lương chồng chị lại bị cắt giảm bởi nhà hàng anh đang làm ngày một vắng khách.

Ảnh minh hoạ dẫn từ An Ninh Thủ Đô.

Trước tình hình đó, cũng theoVietNamNet tại cuộc họp liên ngành Nông nghiệp – Tài chính – Công Thương vào ngày 16/3, ông Hoàng Anh Tuấn kiến nghị đưa thịt lợn vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá theo Luật giá. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế và chi phí để đưa ra một mức giá, khi dịch bệnh giá tăng lên bao nhiêu thì mới chúng ta mới điều hành.

Ông Tuấn lý giải, mặt hàng thịt lợn cơ bản chiếm gần 60% trong cơ cấu rổ thực phẩm nên giá tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng CPI, vấn đề lạm phát.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, vừa qua Bộ đã cùng cộng đồng doanh nghiệp kêu gọi điều chỉnh giá lợn theo chiều hướng giảm nhưng hiện vẫn ở mức cao. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực chung tay cùng Chính phủ giảm giá thịt lợn nhưng vẫn có doanh nghiệp đang “neo giá” cao.

Vì vậy, ngoài đôn đốc các địa phương tập trung tái đàn để bình ổn giá thịt lợn, giảm chỉ số giá tiêu dùng thì sẽ tiếp tục có văn bản yêu cầu doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thịt lợn. Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu thịt lợn. Nhiều biện pháp được triển khai cùng lúc, song giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn đắt đỏ, gần như không có dấu hiệu giảm.

Hiện tại vẫn trong giai đoạn dịch Covid-19, theo BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy cho biết trên báo PLO, để tăng cường sức đề kháng người dân cần bổ sung đủ vitamin D, A và C.

– Bổ sung vitamin A bằng cách uống vitamin A theo định kỳ hoặc ăn thêm cà rốt, bí đỏ.

– Đối với vitamin C có nhiều trong rau, củ, quả, đặc biệt là những loại quả như ổi, cam, kiwi…

– Bổ sung vitamin D từ việc phơi nắng hoặc từ thuốc theo yêu cầu.

– Ngoài ra, hiện nay người dân nên có chế độ ăn, ngủ sao cho hợp lý, bổ sung đầy đủ nước…

Bên cạnh đó, đối với việc chế biến thức ăn cần đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng thực phẩm nấu chín, hạn chế ăn các loại rau sống…

Cho nên, để tiết kiệm chi phí cũng như nạp đủ chất cho gia đình, bạn có thể giảm khẩu phần thịt lợn và thêm vào những thực phẩm mà BS Hùng đã chia sẻ trên.