Một giáo viên vay tín chấp của công ty tài chính nhưng chưa trả hết nợ. Thế nhưng, nhiều giáo viên khác và hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục ở Nghệ An lại bị đe dọa bởi những cuộc gọi ‘khủng bố’ để đòi nợ.

Tờ Thanh niên đưa tin hôm 18/5, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết cơ quan này đã gửi văn bản đề nghị công an điều tra, làm rõ việc nhiều cuộc gọi đến quấy rầy, “khủng bố” các hiệu trưởng, giáo viên, thậm chí cả lãnh đạo sở GD&ĐT để đòi nợ, dù không hề vay tiền từ một công ty tài chính.

Thầy Nguyễn Trọng Giáp – Hiệu trưởng THPT Yên Thành 2 (H.Yên Thành) nói rằng vài ngày gần đây, ông và nhiều giáo viên trong trường nhận được nhiều cuộc gọi từ các số điện thoại khác nhau với lời lẽ đe dọa để thông qua họ, yêu cầu một giáo viên của trường là ông L.X.L trả nợ tiền vay.

Ông L. có vay tín chấp của công ty tài chính FE Credit thuộc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, đã đến kỳ thanh toán nhưng vẫn chưa trả được. Từ đó, nhiều người tự xưng là nhân viên của công ty này đã gọi điện đến cho ông Giáp, yêu cầu ông phải ép ông L. trả tiền vay, theo báo Nghệ An.

Sau đó, nhóm người này gọi vào số máy của nhiều giáo viên khác trong trường, thậm chí cả học trò cũ của ông Giáp, vu khống ông Giáp vay tiền nhưng không chịu trả nợ.

Cô Ngô Thị Hiền – Hiệu trưởng THCS Phan Đăng Lưu bị vu khống trên mạng xã hội (ảnh chụp màn hình báo Nghệ An).

Không chỉ trường Yên Thành mà ban giám hiệu và nhiều giáo viên của Trường THCS Phan Đăng Lưu (H.Yên Thành), nơi vợ ông L. đang công tác, cũng bị quấy rầy, “khủng bố” bằng điện thoại để thông qua những người này yêu cầu ông L. trả tiền.

Ban giám hiệu trường này còn bị tấn công, vu khống trên mạng xã hội bằng ảnh chân dung và “yêu cầu trả nợ gấp…”.

Ông L.X.L cho hay, năm 2018, ông có vay tín chấp của FE Credit 32 triệu đồng, trả nợ theo kỳ. Ông L. đã trả được 15 kỳ, khoảng 22 triệu đồng. Sau đó, do kinh tế khó khăn nên khoản nợ còn lại bị quá hạn. Đến nay, khoản nợ từ 32 triệu sau gần 4 năm đã lên tới 50 triệu đồng. Sau khi bị “khủng bố” liên tục, ông L. đã thanh toán xong khoản nợ.

Gần đây, một số lãnh đạo phòng giáo dục ở Nghệ An cũng bị các số điện thoại lạ gọi đến “khủng bố”, tương tự như các trường hợp nêu trên.