Mặc dù Chính phủ đã đề nghị các cơ sở thờ tự không tụ tập đông người và ban quản lý Phủ Tây Hồ đã thông báo đóng cửa trước tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán diễn biến phức tạp, nhưng vào ngày giỗ Mẫu mùng 1 tháng 3 âm lịch (ngày 24/3), nhiều người dân ở Hà Nội vẫn chen chân đi lễ ngay cả khi chỉ được lễ vọng từ ngoài sân.

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, để đảm bảo an toàn và tránh dịch bệnh lây lan, thành phố Hà Nội và Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội đã có chỉ thị các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Phủ Tây Hồ, Đền Ngọc Sơn… tạm dừng đón khách tham quan đến hết ngày 31/3. 

Tuy nhiên, sáng ngày 24/3, Phủ Tây Hồ vẫn nườm nượp người dân đến Phủ khấn vái, cầu an trong ngày đầu tiên của tháng 3 âm lịch. Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Ngọc Long, Phó chủ tịch phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội, cho biết “Theo tín ngưỡng dân gian, đầu tháng 3 âm lịch là giỗ Mẫu nên lượng người đi lễ đông”.

Phủ Tây Hồ đã đóng cửa nhưng người dân vẫn bày lễ rất đông ở ngoài sân – ảnh trên VOV.
Phủ Tây Hồ đã đóng cửa nhưng người dân vẫn bày lễ rất đông ở ngoài sân – ảnh trên VOV.

Sau đó, Ban quản lý Phủ Tây Hồ đã đến trước cổng, dùng loa thuyết phục người dân giải tán, không tụ tập đông người để chống lây lan Covid-19. Tuy nhiên, khoảng 30 phút sau, những người đi lễ mới rời khỏi sân phủ. 

Đến chiều, phường Quảng An lập hàng rào trước cổng phủ, túc trực để ngăn người dân vào trong. Nhiều người vẫn đến đặt lễ trước cổng phủ và đứng bên ngoài vái vọng vào phía trong. Một số người đến sau, thấy phủ đóng cửa nên đã quay về.

Sau khi nhà chức trách lập hàng rào trước cổng phủ Tây Hồ, nhiều người dân vẫn đứng ngoài làm lễ vọng vào trong – ảnh Thanh Huế.

Hầu hết người dân đến phủ đều đeo khẩu trang. Trong lúc khấn bái, đa số giữ nguyên, số ít người tháo khẩu trang vì quan niệm việc tháo bỏ khẩu trang ở nơi tâm linh thể hiện sự thành kính của bản thân trước các bậc bề trên, thể hiện sự tôn kính khi đi lễ chùa.

Nơi tâm linh thể hiện sự thành kính, có người đeo khẩu trang có người đeo – ảnh trên Dân trí.

Đặc biệt, đến 19h tối 24/3, khi ban quản lý di tích và công an Phường rút đi thì người dân lại chen chúc, ùn ùn kéo vào bên trong để lễ bái.

Kênh 14 đăng ảnh người dân lại chen chúc đến lễ Khi ban quản lý di tích và công an Phường rút đi.
Barie gỡ bỏ, chiều tối người dân lại đến lễ – ảnh trên Zing.
Dòng người lễ trước Phủ Tây hồ buổi tối 24/3 – ảnh trên Dân trí.

Giải thích lý do biết phủ Tây Hồ đóng cửa nhưng vẫn đến lễ, chị Nguyễn Thanh Hòa, quận Tây Hồ nói với VnExpress rằng “hôm nay đầu tháng nên tôi đi lễ theo thói quen, đến đứng bên ngoài vái vọng vào để cầu an thay vì vào trong như các lần trước”.

Một người phụ nữ đang mang bầu đứng dưới lòng đường để vái vọng – ảnh trên Zing.

Một nhân viên môi trường ở khu vực phủ Tây Hồ cho hay, lượng người đi lễ hôm nay không đông bằng những tháng trước, nhưng vẫn kín sân phủ. Chiếc xe rác của anh này chất cao rác của người đi lễ thải ra. 

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khuyến cáo từ nay đến 31/3, mọi người cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt, do “chúng ta đang bước vào giai đoạn thử thách, nguồn lây nhiễm đang ẩn nấp ở cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm rất cao”. Nguyên nhân của việc này, theo Chủ tịch Hà Nội, là vì từ nay đến 3/4, Hà Nội bước vào giai đoạn cao điểm chống dịch.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương đóng cửa các dịch vụ không cần thiết; cơ sở thờ tự không tụ tập đông người để phòng, chống Covid-19.