Hàng trăm tàu ​​cá Trung Quốc đang xả một lượng lớn chất thải thô của con người ra Biển Đông trong khi chiếm đóng trái phép quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lượng xả thải nhiều tới mức từ vệ tinh trong không gian vũ trụ cũng có thể nhìn thấy rõ.

Reuters đưa tin, công ty phân tích hình ảnh vệ tinh Simularity Inc. có trụ sở tại Mỹ đã thông báo về vấn đề này hôm thứ Hai (12/7).

Simularity Inc. là công ty phần mềm tạo ra công nghệ trí tuệ nhân tạo (A.I.) để phân tích hình ảnh vệ tinh. Công ty này đã công bố các hình ảnh vệ tinh chụp hàng trăm tàu Trung Quốc quanh các bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Hình ảnh cho thấy các đội tàu đánh cá trái phép của Trung Quốc “neo đậu ở Trường Sa đang đổ chất thải thô lên các rạn san hô mà họ đang chiếm giữ”.

Thảm họa hủy diệt rạn san hô và lượng cá ở Biển Đông

Hình ảnh vệ tinh cho thấy “ít nhất 236 tàu bị phát hiện trong các đảo san hô chỉ tính riêng vào ngày 17/6”, theo Liz Derr, nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Simularity Inc.

Breitbart trích lời bà Liz: “Khi các tàu không di chuyển, đống phân sẽ chồng chất lên”.

Bà cho biết lượng chất thải “dữ dội đến mức bạn có thể nhìn thấy [chúng] từ không gian”.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy hàng trăm tàu Trung Quốc xả chất thải thô của con người khi các tàu chiếm đóng phi pháp quần đảo Trường Sa (ảnh: Simularity).
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy hàng trăm tàu Trung Quốc xả chất thải thô của con người khi các tàu chiếm đóng phi pháp quần đảo Trường Sa (ảnh: Simularity).

Bà Liz cảnh báo: “Đây là một thảm họa có quy mô khổng lồ đến mức sắp không thể vãn hồi.”

“Các đàn cá, bao gồm cả cá ngừ di cư, vốn sinh sản trong các rạn san hô đang bị hủy diệt”, bà Liz nói.

Bà cho biết hành vi của các tàu Trung Quốc “có thể khiến trữ lượng cá giảm đáng kể ở một khu vực xa bờ vốn là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng của khu vực”.

Báo Rappler của Philippines trích lời bà Liz: hoạt động xả thải của Trung Quốc sẽ dẫn đến “một loạt các thiệt hại đối với rạn san hô mà có thể phải mất hàng thập niên mới phục hồi được”.

Philippines sẽ điều tra về hoạt động xả thải của Trung Quốc ở Biển Đông

Theo Reuters, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Eduardo Menez hôm 12/7 cho biết phát hiện của Simularity Inc. “sẽ phải được các cơ quan chức năng của Philippines đánh giá và xác thực trước khi có thể đưa ra quyết định về việc có phản đối Trung Quốc hay không”.

Ngày hôm sau, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ra thông cáo cho biết: “Trong khi chúng tôi đang xác nhận và xác minh hoạt động xả thải này,… chúng tôi coi những hành động vô trách nhiệm như vậy, nếu là sự thật, sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển trong khu vực”.

Các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia, Brunei.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines kêu gọi: “Bất chấp các tuyên bố và lợi ích xung đột của các quốc gia ở Biển Đông, tất cả các quốc gia phải có trách nhiệm quản lý tài nguyên và môi trường của chúng ta”.