TPHCM thực hiện chủ trương “không bố trí người địa phương làm bí thư, chủ tịch cấp xã” nhằm tránh tình trạng ưu ái dòng họ; ngăn ngừa “gia đình trị”; tạo sự công bằng và hiệu quả trong điều hành, quản lý chính quyền cơ sở.

Bố trí nhân sự lãnh đạo cấp xã theo hướng tinh gọn, hiệu quả

Trong kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025–2030; Thành ủy TPHCM yêu cầu bố trí bí thư, chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương. Đây là điểm nhấn được cán bộ, đảng viên và người dân đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, bí thư cấp ủy sẽ kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND; trong khi đó, chủ tịch UBND cấp xã sẽ được điều động từ địa phương khác đến. Chủ trương này nhằm hạn chế tình trạng “cả nể”, ưu tiên người nhà; hoặc lạm dụng quyền lực để đưa người cùng dòng họ, người thân vào bộ máy công quyền.

Hạn chế nguy cơ “gia đình trị” và các nhóm lợi ích địa phương

Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, nếu người đứng đầu xã, phường là người địa phương; việc tuyển dụng công chức, viên chức rất dễ bị chi phối bởi quan hệ cá nhân; thậm chí hình thành “hệ thống gia đình”.

Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Điều 23) trao quyền đáng kể cho Chủ tịch UBND xã trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và cách chức cán bộ, lãnh đạo cơ quan chuyên môn. Với quyền hạn này, nếu người giữ chức vụ là người địa phương; nguy cơ hình thành “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” trong bộ máy là rất lớn.

Chính vì vậy, TPHCM chọn cách đưa cán bộ từ cấp huyện, cấp tỉnh về xã, phường làm lãnh đạo — nhưng không làm việc tại địa phương gốc — nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng và chuyên nghiệp.

Kế thừa tư tưởng “hồi tỵ” từ thời cha ông

Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta đã quy định trong Luật Hồi tỵ: quan lại không được làm việc tại nơi sinh ra, nơi vợ ở hay nơi từng theo học. Luật còn nghiêm cấm quan đầu tỉnh tậu nhà, mua đất trong địa phận mình quản lý— điều mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Việc vận dụng tinh thần của Luật Hồi tỵ vào thực tiễn hôm nay thể hiện sự kế thừa hợp lý tư tưởng cũ để xử lý vấn đề mới. Đây là bước đi đúng đắn, giúp TPHCM phòng ngừa sai phạm và xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính; công tâm ngay từ cơ sở.

Kỳ vọng lan tỏa mô hình ra cả nước

TPHCM tiên phong, nhưng vấn đề không chỉ của riêng thành phố. Các địa phương khác cũng nên nghiêm túc xem xét áp dụng chủ trương “không bố trí người địa phương làm bí thư, chủ tịch cấp xã”. Chỉ khi thoát khỏi ảnh hưởng của quan hệ dòng họ; cơ chế bổ nhiệm và thực thi công vụ ở cấp cơ sở mới có thể trở nên minh bạch; hiệu quả, và phục vụ người dân đúng nghĩa.

Theo: laodong