‘Những người tham dự bỗng òa lên, cùng với tiếng vỗ tay và hò reo như sấm nổ khi lãnh tụ tối cao xuất hiện”, đó là cách Thông tấn xã Triều Tiên hôm 2/5 mô tả sự tái xuất của ông Kim Jong Un tại một nhà máy phân bón. Trong khi đó, báo giới quốc tế tỏ ra thận trọng với tin tức này.

Dường như có một sự quy ước ngầm rằng, thông tấn Triều Tiên càng rôm rả thì các kênh thông tấn phương Tây càng cần dè chừng. Trong ngày 2/5, bản tin của KCNA (Thông tấn xã Triều Tiên) loan báo với thế giới bên ngoài rằng, ông Kim Jong Un đã xuất hiện để cắt băng khánh thành nhà máy phân đạm phốt phát ngày 1/5. Sự tái xuất của ông Kim như thường lệ được KCNA miêu tả kịch tính. “Lãnh tụ tối cao” được giới thiệu ở phần đầu bài tường thuật, trong những tiếng vỗ tay như sấm sét, tuy nhiên, ông Kim Jong Un được “để đấy và không nói gì”.

Ảnh: AFP PHOTO/KCNA VIA KNS

Kế tiếp màn xuất hiện của ông Kim là những báo cáo ca ngợi việc xây dựng nhà máy như một “tài sản vĩnh cửu trong một kỷ nguyên vĩ đại”. Điều tuyệt vời, theo các quan chức địa phương, là sự ra đời của nhà máy phân bón cách Bình Nhưỡng khoảng 50 km, đã mở ra một cuộc tấn công đột phá cho ngành công nghiệp; đánh bật những thanh âm của các “thế lực thù địch”.

Sau các diễn văn ca ngợi chiến công phân bón, Kim Jong Un bước ra. Truyền thông Triều Tiên – ngoài những lời mô tả cảnh tượng ầm ĩ, vỡ òa như sấm dậy – còn đưa hình ông Kim cắt băng khánh thành, hay các tư thế chỉ đạo quen thuộc. Những hình ảnh cho thấy, bên cạnh ông Kim còn có bà Kim Yo-jong – người được cho là nhiều khả năng sẽ kế nhiệm anh trai nếu như chính trường Bình Nhưỡng “có biến”.

Ảnh: AFP PHOTO/KCNA VIA KNS

Cho đến sáng 2/5, các hãng thông tấn quốc tế đều đưa tin Kim Jong Un tái xuất với sự thận trọng cần thiết. Hãng tin AFP đăng lại những bức ảnh truyền thông Triều Tiên phát đi về sự xuất hiện của Kim Jong Un kèm lời khuyến cáo: Chúng tôi không thể độc lập kiểm chứng tính xác thực, địa điểm, ngày tháng sự kiện cũng như nội dung trong các bức ảnh. AFP cũng bắt buộc các hãng thông tấn, báo chí đi đăng lại phải dẫn nguồn ảnh là “AFP PHOTO/KCNA VIA KNS”.

Bản tin của Reuters về sự kiện này cũng để lại lời nhắn “Reuters không thể xác minh độc lập báo cáo KCNA”. Về các tấm hình được cho là Kim Jong Un xuất hiện ngày 1/5, Reuters viết “tính xác thực của các bức ảnh, được công bố trên trang web của tờ báo chính thức Rodong Sinmun, không thể được xác minh”.

Bản tin trên RFA cũng chạy dòng tít cẩn trọng: “Báo nhà nước Triều Tiên đưa tin Kim Jong Un xuất hiện vào thứ Sáu”.

Ảnh: AFP PHOTO/KCNA VIA KNS

Trong buổi họp báo tại Nhà Trắng, khi được hỏi về sự tái xuất của Kim Jong Un, Tổng thống Mỹ Dold Trump nói “Tôi không muốn bình luận gì” và hẹn sẽ nói về chủ đề này trong một buổi thích hợp.

Những đồn đoán về sức khỏe của Kim Jong Un xuất hiện trong 3 tuần gần đây, khi ông vắng mặt trong hàng loạt sự kiện quan trọng cũng như lễ kỷ niệm lớn của Triều Tiên. Trước đó, đã có lần nhà lãnh đạo Triều Tiên chơi trò “ẩn thân” kéo theo hàng loạt đồn đoán và thuyết âm mưu. Vào năm 2014, ông Kim mất tích trong 40 ngày và không dự lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên. Mãi đến ngày 14/10/2014, ông xuất hiện tại một khu dân cư, bên cạnh là chiếc gậy chống. Các nguồn tin tình báo Hàn Quốc sau đó nói rằng, quãng thời gian gần 6 tuần mất tích, Kim Jong Un đã phẫu thuật khối u ở mắt cá chân.