Giới chuyên gia quốc tế đánh giá kinh tế Việt Nam đã bị rớt từ hạng sao xuống hạng dưới trung bình trong thời gian gần đây. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đã phân tích vấn đề trong cuộc tọa đàm về kinh tế Việt Nam diễn ra sáng nay (27/9).

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế – xã hội của Việt Nam sáng nay.

Theo báo Thanh Niên, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới Việt Nam Carolyn Turk, cho biết trước khi bùng phát dịch Covid-19, Việt Nam đang ở thứ hạng ngôi sao về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhưng sau 4 đợt dịch bùng phát, Việt Nam đã rơi xuống mức dưới trung bình của thế giới.

Bà Turk nêu nguyên nhân từ tình hình y tế xuấ đi kể từ cuối tháng 4 năm 2021 đến nay. Đặc biệt, từ cuối tháng 7, tỷ lệ tử vong vì Covid ở Việt Nam cao hơn mức trung bình ở Trung Quốc, châu Âu.

Theo Tuổi Trẻ, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đã chỉ ra các lý do khiến Việt Nam bị chuyển từ hạng sao xuống hạng dưới trung bình. Đó là do tình hình y tế trở nên nghiêm trọng; hoạt động tiêm chủng chậm; các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt; các chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô nhỏ và thiếu cân bằng; trợ giúp xã hội “rụt rè và hạn chế”, ít hơn nhiều so với hầu hết các quốc châu Á khác.

Trong bài khuyến nghị có chủ đề “COVID-19: Kinh tế Việt Nam lấy lại ánh hào quang”, ông Morisset cho biết: Để bước vào trạng thái bình thường mới, cần rút ra bài học kinh nghiệm. Ông Morisset khuyến nghị cần quản lý việc di chuyển một cách thông minh hơn; đơn giản hóa các quy trình.

Nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chuyển sang chính sách tài khóa nhiều hơn, đồng thời thực hiện chính sách tiền tệ ít hơn.

Cũng trong buổi tọa đàm, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 trong thời gian qua đã làm gia tăng đáng kể chi phí của các doanh nghiệp.

Tình trạng phong toả đang tàn phá chuỗi cung ứng, buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải tìm kiếm nguồn hàng thay thế ở các nước khác. Những khó khăn từ dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài tính chuyện rời khỏi Việt Nam.