Lễ ăn hỏi đẫm nước mắt trước đám tang của cặp đôi đuối nước ở cửa lò

Lễ ăn hỏi không có cô dâu chú rể, không có lời chúc mừng; chỉ còn lại những tiếng nấc nghẹn, đôi mắt đỏ hoe và cái siết tay chặt giữa hai gia đình – như một cách cuối cùng để hoàn tất mối lương duyên dang dở. “Lễ ăn hỏi trước đám tang” trở thành khoảnh khắc đầy ám ảnh của tình yêu, tình người nơi xứ Nghệ.
- Đôi bạn trẻ đuối nước thương tâm khi tắm sớm ở biển Cửa Lò
- Ý kiến – Bỏ án tử hình với 4 tội danh: “Nhân văn với tội phạm là độc ác với đồng bào”
- Xót xa vụ hai mẹ con tử vong do đuối nước ở Thái Bình, nhiều tổ chức đến hỗ trợ gia đình nạn nhân
Nội dung chính
Lễ ăn hỏi thay lời tiễn biệt trong câu chuyện tình yêu buồn ở xứ Nghệ
Sáng 21/5, trong làn khói hương nghi ngút và tiếng khóc nghẹn ngào; gia đình, người thân và làng xóm tiễn đưa anh V.V.S. (SN 1998, trú tại xóm Hoa Thám, xã Trung Thành, Yên Thành, Nghệ An) về nơi an nghỉ cuối cùng. Cùng buổi sáng, lễ an táng chị N.T.T. (SN 1999, trú tại xã Bắc Thành, Yên Thành) – người yêu anh S. – cũng đã hoàn tất.
Một ngày trước đó, vào sáng 20/5, anh S. và chị T. đi tắm biển tại Cửa Lò thì không may bị đuối nước. Dù được tìm thấy và đưa về quê kịp thời, nhưng sự ra đi đột ngột của đôi bạn trẻ đã để lại nỗi đau khôn nguôi trong lòng người thân, bạn bè và cộng đồng mạng.
“Lễ ăn hỏi trước đám tang” – danh phận sau cùng trong một cuộc tình dang dở
Cặp đôi yêu nhau nhiều năm, dự định tổ chức đám cưới trong năm nay. Anh S. là nhiếp ảnh gia, còn chị T. làm nghề trang điểm. Họ đồng hành với nhau trong công việc và cuộc sống, được hai bên gia đình ủng hộ.
“Việc đau lòng xảy ra, nên kế hoạch tổ chức đám cưới không thể thực hiện được, nhưng gia đình chúng tôi đã xem cháu T. là con cháu trong nhà”, ông Võ Văn Lợi – chú ruột anh S. chia sẻ.
Vào chiều tối 20/5, đoàn nhà trai gồm ông nội, các chú, cậu ruột và đại diện dòng họ đã mang trầu cau, rượu lễ sang nhà gái “xin nhận dâu, con” – hoàn tất “lễ ăn hỏi trước đám tang”. Lễ vật được giản lược, nhưng vẫn đủ để thể hiện tấm lòng và mong muốn “không để cháu T. phải chạnh lòng”.
Không có cô dâu, chú rể tương lai; không có tiếng cười hạnh phúc, buổi lễ chỉ còn lại những ánh mắt đỏ hoe; cái siết tay nghẹn ngào và tiếng nấc lặng thầm. Sau lễ, người thân anh S. thắp hương lên bàn thờ chị T. với tư cách là “đại diện bên chồng” – một lời xác nhận sau cuối cho một cuộc hôn nhân chưa kịp thành hình.

Tình yêu còn mãi – dẫu đám cưới không trọn vẹn
Bạn bè, đồng nghiệp không khỏi bàng hoàng và tiếc thương cho đôi trẻ sống tử tế, chân thành và luôn gìn giữ tình yêu bền bỉ. Anh Hoàng Công – người thầy, người đồng nghiệp của anh S. – đã dành tâm huyết tạo nên một bức ảnh cưới ghép, lưu giữ khoảnh khắc rạng rỡ mà anh S. và chị T. từng mong ước.
“Cả một đời làm nghề – người cầm máy, người cầm cọ, cùng nhau đi qua biết bao hạnh phúc của người khác… mà đến lúc chính mình, lại chẳng kịp có lấy một bộ ảnh cưới… Một đám cưới không trọn vẹn, nhưng đầy nước mắt và tình yêu”, những dòng chia sẻ của anh Hoàng Công trên Facebook khiến nhiều người rưng rưng nước mắt.
Hẹn nhau ở kiếp khác
Tang lễ của anh S. và chị T. được tổ chức riêng theo phong tục địa phương; an táng tại hai nghĩa trang cách nhau khoảng 3km. Dẫu vậy, hai bên gia đình đã thống nhất khi cải táng sẽ đưa chị T. về nghĩa trang dòng họ bên nhà trai; để họ “được mãi mãi bên nhau”.
Trong nỗi đau mất mát, hình ảnh về “lễ ăn hỏi trước đám tang” sẽ còn lưu lại trong lòng nhiều người như một biểu tượng của tình yêu sâu sắc; vượt qua cả cái chết – tình yêu dẫu ngắn ngủi nhưng trọn vẹn đến giây phút cuối cùng.
Theo: Dantri