Ngày càng nhiều người nội trợ lựa chọn nước mắm truyền thống, muối hạt thô thay vì các sản phẩm công nghiệp. Liệu xu hướng “quay về nguyên bản” này có thực sự tốt cho sức khỏe, hay chỉ là trào lưu ăn uống tự nhiên đang lan rộng?

Từ thói quen đến thay đổi căn bếp

Hai tháng qua, chị An Vy (Đà Nẵng) đã bỏ hoàn toàn các loại nước chấm công nghiệp. Thay vào đó, chị sử dụng nước mắm cốt nguyên chất; muối hạt thô và các loại gia vị tự làm. Lý do? Một video phân tích thành phần nước mắm đã khiến chị giật mình.

“Mắm công nghiệp thì dễ ăn, nhưng tôi thấy không còn mùi cá, mùi biển như ngày xưa. Chuyển sang mắm cốt, dù mặn gắt nhưng cảm giác thật hơn. Tôi thấy yên tâm hơn khi nêm nếm cho gia đình”, chị chia sẻ.

Xu hướng “detox bếp” cũng lan nhanh trên mạng xã hội. Nhiều người bắt đầu bỏ gia vị đóng gói sẵn; thay vào đó là mắm cốt từ các làng nghề, muối hạt phơi nắng lâu ngày, đựng trong lu đất. Cảm giác “ăn sạch” đang dần trở thành một chuẩn mực mới trong nhiều gia đình.

Muối thô – không chỉ là vị mặn

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thủy – Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đà Nẵng – muối tinh luyện là loại muối phổ biến trong bếp hiện nay. Nó chứa 97–99% natri clorua, thường được bổ sung i-ốt. Tuy nhiên, quá trình tinh chế đã loại bỏ hầu hết vi khoáng tự nhiên như magie, kẽm, kali, canxi…

“Muối tinh có độ mặn gắt nhưng lại thiếu vị ngọt hậu. Ngược lại, muối thô – còn gọi là muối biển – không chỉ có natri clorua mà còn giữ nhiều khoáng chất, tạo nên vị đậm đà, dịu nhẹ hơn”, bác sĩ Thủy cho biết.

Việc dùng muối thô đúng cách (bảo quản kỹ, tránh ẩm mốc) sẽ giúp bổ sung thêm các vi chất thiết yếu mà cơ thể cần với lượng nhỏ mỗi ngày. Đặc biệt, người có xu hướng ăn sạch; giảm gia vị công nghiệp sẽ dễ cảm nhận sự khác biệt về hương vị.

Nước mắm truyền thống khác gì nước mắm công nghiệp?

TS Trần Bá Thoại – Ủy viên Ban chấp hành Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam – nhấn mạnh: cần gọi đúng tên sản phẩm. Nước mắm truyền thống là loại được ủ chượp từ cá và muối theo phương pháp tự nhiên, thường kéo dài nhiều tháng.

Trong khi đó, nước mắm công nghiệp thực chất là “nước chấm” pha chế từ dịch đạm cá, nước, muối, chất tạo ngọt, chất điều vị, tạo màu, tạo mùi… và thường có độ đạm rất thấp.

Theo tiêu chuẩn TCVN 5107:2003, nước mắm được xếp hạng dựa trên độ đạm toàn phần. Các mức phổ biến từ 10°N (loại 2) đến 25°N (loại đặc biệt). Một số mắm cốt nguyên chất có thể đạt 40–50°N nhưng hiếm thấy ngoài thị trường đại trà.

“FAO cũng quy định: sản phẩm chỉ được gọi là nước mắm khi độ đạm trên 10°N. Dưới mức này nên gọi là nước chấm. Điều đó cho thấy nhiều loại ‘nước mắm’ trên kệ siêu thị thực chất chỉ là nước chấm công nghiệp”, bác sĩ Thủy phân tích.

Ăn nguyên bản – lành mạnh nhưng cần chọn lọc

Dù xu hướng quay về thực phẩm truyền thống ngày càng được ủng hộ; các chuyên gia vẫn khuyến cáo cần chọn lọc nguồn gốc rõ ràng. Một số loại mắm cốt nếu không được bảo quản đúng có thể nhiễm vi khuẩn hoặc bị phân hủy. Muối thô nếu không qua xử lý cũng có thể chứa tạp chất kim loại nặng.

Vì vậy, người tiêu dùng nên ưu tiên sản phẩm từ các làng nghề uy tín; có kiểm định vệ sinh và chỉ sử dụng lượng vừa đủ theo nhu cầu dinh dưỡng.

Bác sĩ Thủy nhận định:

“Ưu tiên sử dụng nước mắm truyền thống và muối thô sẽ giúp bổ sung vi chất có lợi, hạn chế hóa chất và phụ gia không cần thiết. Nhưng cái gì cũng cần điều độ. Muối – dù thô hay tinh – dùng quá nhiều vẫn hại thận. Mắm – dù truyền thống – nếu quá mặn cũng nên dùng vừa phải.”

Quay về tự nhiên, nhưng không cực đoan

Lựa chọn muối thô và mắm cốt là cách người tiêu dùng thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Tuy nhiên, sự thay đổi cần dựa trên hiểu biết đúng đắn và không nên “thần thánh hóa” bất kỳ loại gia vị nào.

Sống lành mạnh không chỉ là đổi loại muối hay mắm, mà còn là ăn uống cân đối, sạch và đủ chất – đó mới là điều quan trọng nhất.

Theo: Tuổi Trẻ Online