Hai quốc gia áp đảo thị trường vũ khí thế giới chính là Hoa Kỳ và Trung Quốc chứ không phải là Hoa Kỳ và Nga. Trung Quốc đã vượt trên Nga ở lĩnh vực này. Mỹ chiếm vị thế áp đảo với 5 tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất toàn cầu.

Như SCMP đưa tin, báo cáo của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI), công bố ngày 07/12/2020 cho thấy dù biến động gì trên thế giới thì thị trường mua bán vũ khí vẫn tăng trưởng tốt. Doanh thu của 25 tập đoàn kinh doanh vũ khí lớn nhất thế giới trong năm 2019 đã tăng 8,5 % so với hồi 2018, đạt mức 361 tỷ đô la. Con số này cao gấp 5 lần so với ngân sách trung bình hàng năm của Liên Hiệp Quốc dành cho các chiến dịch gìn giữ hòa bình trên thế giới.

Trong đó Hoa Kỳ chiếm đầu bảng về lĩnh vực sản xuất vũ khí. Thị phần mảng này của Hoa Kỳ ước tính chiếm 61 % thị trường toàn cầu. Trong số 25 tập đoàn lớn nhất đó có 12 hãng là của Mỹ, đứng đầu là Lockheed Martin. Doanh thu của Lockheed Martin đạt hơn 53 tỷ đô la. Xếp hạng thứ 2 là hãng Boeing, trụ sở tại Seattle.

Yếu tố Trung Quốc bất ngờ xuất hiện

Điều bất ngờ trong báo cáo năm nay của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm là Tập đoàn Trung Quốc có tên là AVIC lần đầu tiên xuất hiện. Doanh thu của hãng này năm 2019 đạt gần 22,5 tỷ đô la, chỉ bằng 43 % so với của Lockheed Martin.

Theo báo cáo xếp hạng của Viện này, công ty sản xuất lớn nhất của Nga có tên Almaz Antey, vốn nổi tiếng với hệ thống tên lửa S-400 hay S-500 thì chỉ được xếp hạng thứ 15. Phân tích của Viện này chỉ ra 2 nguyên nhân khiến Nga bị tụt hạng là do khó khăn kinh tế và do các biện pháp trừng phạt của quốc tế từ khi Nga muốn chiếm bán đảo Krym của Ukraina.

Mỹ và Trung quốc áp đảo thị trường vũ khí thế giới
Nga đã bị đứng sau Trung Quốc trong thị trường vũ khí (ảnh VOV)

Bà Lucie Béraud Sudreau, giám đốc chương trình vũ khí và chi phí quân sự của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm đã lên tiếng về việc đặc biệt cần lưu ý đến vị trí của Trung Quốc. Thu nhập của các tập đoàn công nghiệp vũ khí Trung Quốc trong năm 2019 tăng thêm 5% so với 2018. Lý do chủ yếu là Bắc Kinh cải tổ và hiện đại hóa quân đội.

Cuối cùng, báo cáo xếp hạng của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm vẫn ghi nhận thành tích của các tập đoàn của châu Âu. Những tên tuổi danh tiếng là BAE Systems của Anh (hạng 7), Leonardo của Ý (hạng 12) , hay Thales (hạng 14), Dassault (hạng 17) của Pháp và Airbus (hạng 13) của châu Âu. Riêng tập đoàn Dassault của Pháp (chuyên sản xuất máy bay quân sự) đã nhảy vọt từ thứ hạng 38 lên 17, nhờ việc xuất khẩu máy bay Rafale trong năm 2019.