Cộng hòa Liên bang Nga đang hứng chịu số lượng kỷ lục các lệnh trừng phạt của các nước. Các lệnh trừng phạt nhằm ngăn cản cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin; nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Putin muốn lùi bước.

Không chỉ các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu, mà cả các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Singapore cũng ra lệnh trừng phạt Moscow.

Mới đây nhất, Nikkei Asia đưa tin sáng 15/3, Nhật Bản tuyên bố đóng băng tài sản của 17 cá nhân Nga. Trong đó có 11 thành viên của Duma Quốc gia (tức hạ viện của Quốc hội Liên bang Nga); 5 thành viên gia đình của tài phiệt ngân hàng Yuri Kovalchuk; và cả tỷ phú Viktor Vekselberg. Với quyết định mới này, Nhật Bản đang trừng phạt tổng cộng 61 người Nga.

Kể cả các nước có lịch sử trung lập như Thụy Sĩ, Singapore cũng đồng ý trừng phạt Nga.

Nga bị trừng phạt nhiều nhất thế giới

Theo dữ liệu từ Castellum.AI, tới nay có hơn 5.000 lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Trong đó, có 2.778 lệnh được đưa ra sau ngày 22/2.

Nga hiện chính thức là quốc gia bị trừng phạt nặng nề nhất trên thế giới. Mức độ chế tài mà Nga phải gánh chịu vượt qua cả các nước như Iran, Syria và Triều Tiên.

Số lệnh trừng phạt của Nga thậm chí còn nhiều hơn tổng cộng các lệnh trừng phạt nhắm vào Iran, Venezuela, Myanmar và Cuba.

Các nước phương Tây đã chuyển sang nhắm mục tiêu vào các nhà tài phiệt, nợ có chủ quyền của Nga, các tài sản của Tổng thống Vladimir Putin và loại bỏ hầu hết các ngân hàng của Nga khỏi hệ thống tài chính SWIFT.

Úc, EU, Thụy Sĩ và Canada đã thực hiện các biện pháp trừng phạt mở rộng hơn nhằm vào các thành viên của Duma Nga, các nhà tài phiệt, các ngân hàng và công ty, theo Castellum.AI.

Nga “tê liệt” vì các lệnh trừng phạt

Giới phân tích cho biết chú “gấu Nga” sẽ sớm cảm nhận được mức độ tê tái của các lệnh trừng phạt. Đồng tiền rup của Nga rớt giá thảm hại. Các doanh nghiệp lũ lượt rời khỏi quốc gia này. Theo thống kê của Đại học Yale, có khoảng 300 công ty đã rút khỏi Nga sau khi chiến sự Ukraine xảy ra.

Tiến sĩ Wolodymyr Motyka, một học giả thương mại đã nghỉ hưu từ Đại học Newcastle, nói với ABC rằng “tác động tê liệt” mới đầu còn chậm chạp, nhưng hiện đang bắt đầu ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga xuống CA vào hôm 13/3. Đây là bậc xếp hạng thấp thứ hai trong thang xếp hạng của cơ quan này.

Tiến sĩ Motyka cho biết Nga có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ trong vài tuần nữa, nếu xếp hạng tín dụng của nước này giảm thêm.