Người dân Hồng Kông sẵn sàng cho một cuộc di dời
Ngay khi có thông tin Luật an ninh quốc gia của Trung Quốc, số lượng tìm kiếm trên mạng của người dân Hồng Kông về di cư đã tăng gấp 10 lần.
- Theo dòng sự kiện: Châm ngòi Hồng Kông, Trung Quốc chịu áp lực tứ bề
- Anh sẽ cấp quyền công dân cho 300.000 người Hong Kong vì luật an ninh
- Điểm tin kinh tế: Luật an ninh quốc gia: đòn kinh tế giáng vào Hồng Kông; Nhật Bản chuẩn bị gói kích cầu kinh tế 1,1 nghìn tỷ đô
Theo The Guardian, khi quốc hội Trung Quốc phê chuẩn Luật an ninh quốc gia gây sóng gió cho Hồng Kông, nhiều người dân địa phương đã bán tài sản, bán cổ phần và lên kế hoạch chuyển ra nước ngoài trong khi hoan nghênh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Bắc Kinh nói rằng tình trạng chống chính phủ lan rộng ở Hồng Kông đã khiến họ phải trực tiếp ban hành luật mới nhằm giải quyết ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài vào nơi được gọi là thuộc địa cũ của Anh này. Luật này được thông qua vào thứ năm tuần trước đã mở đường cho những điều khoản luật mới được ban hành ở Hồng Kông, đồng thời cho phép tình báo Trung Quốc thành lập các cơ quan tại Hồng Kông.
Người dân Hồng Kông đã có phản ứng mạnh mẽ, hàng ngàn người xuống đường trong tuần qua để phản đối luật mới, khiến cảnh sát phải bắn những đạn hơi cay để giải tán đám đông.
Vào thứ 4 tuần trước, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố rằng Hồng Kông không còn được hưởng quyền tự trị mà Bắc Kinh đã hứa và như vậy Hồng Kông không được hưởng các đặc quyền đặc biệt từ Mỹ, sẽ bị Mỹ đối xử như với Trung Quốc về thương mại và các vấn đề tài chính khác. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã công bố thông báo tương tự như vậy của ông sau đó vào thứ sáu vừa qua.
Phóng viên Verna Yu của The Guadian ở Hồng Kông đã có cuộc nói chuyện với Elsa Li, 48 tuổi, giám đốc tiếp thị và là bà mẹ một con, cho biết ngay khi tin tức về Luật an ninh quốc gia xuất hiện, cô đã chuyển đổi phần lớn tiền tiết kiệm của gia đình thành đô la Mỹ, bán cổ phiếu của các công ty Hồng Kông và Trung Quốc và mua cổ phiếu Mỹ. Cô cũng ngay lập tức bắt đầu điền vào các mẫu đơn để xin di cư. Cô nói cô cảm thấy chán nản, sức ép của Hoa Kỳ không thay đổi được sự thật rằng Hồng Kông đã không còn lối thoát. Elsa Li nói thêm rằng người Hồng Kông sẽ bước vào đường cùng, nên cũng mong rằng chính quyền Trung Quốc đại lục sẽ phải nhận quả báo qua vụ việc với Hồng Kông.
Khi được hỏi ý kiến về Hồng Kông, Alan, một kiến trúc sư ở độ tuổi 30, cho biết việc Mỹ thừa nhận về sự mất tự chủ của Hồng Kông là ‘một hướng đi tốt’ vì Hồng Kông không có sự lựa chọn nào khác. Bi quan hơn, anh ấy nói rằng: “Nếu chúng ta không có lối thoát, chúng ta cũng có thể chết với Trung Quốc. Đây là một quả bom, điều tốt là nó phát nổ luôn bây giờ.. Phải mất 20 năm qua, mọi người mới nhận ra rằng chúng tôi không thể ở cùng với Trung Quốc”.
Hiện nay ở Hồng Kông đang có một chiến dịch mang tên “Chết cùng kẻ thù của bạn”. Đây là một chiến dịch gây quỹ cộng đồng nổi bật ở Hồng Kông, được các nhà hoạt động ẩn danh đưa ra trực tuyến ngay sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo.
Nhiều người dân Hồng Kông sử dụng thuật ngữ này bằng tiếng Quảng Đông với cụm từ ‘lam chow’, có nghĩa là sẵn sàng chịu diệt vong cùng với kẻ thù – để mô tả tình cảnh hiện nay của họ.
Họ giải thích rằng “lam chow, có nghĩa là bạn chết để được sinh ra một lần nữa. Chỉ sau khi được làm sạch bằng lửa, một con phượng hoàng mới có thể trỗi dậy từ đống tro tàn. Đây không phải là sự nhiệt thành cách mạng, chủ nghĩa lãng mạn hay chủ nghĩa hư vô. Điều này dựa trên một đánh giá rõ ràng rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã siết cổ chặt ở Hồng Kông. Đây là sự kêu gọi tuyệt vọng cho một biện pháp tuyệt vọng.”
“Chúng tôi có chút ảo tưởng về cơ hội thành công của mình, nhưng chúng tôi đơn giản là từ chối để Hồng Kông chịu thua chế độ chuyên chế. Chúng tôi thử bằng mọi cách, và giờ chúng tôi là người lính”.