Do lo ngại các mối đe doạ với an ninh quốc gia từ Trung Quốc, phía Nhật Bản vừa công bố danh sách 518 công ty sẽ phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn với vốn đầu tư của nước ngoài.

Các công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản như Sony, Toyota hay SoftBank được xếp vào danh sách các công ty có hoạt động sản xuất cốt lõi liên quan tới an ninh quốc gia. Vì vậy các doanh nghiệp này sẽ phải chịu quy định nghiêm ngặt hơn đối với vốn đầu tư của  nước ngoài.

Theo Zingnews, việc sửa đổi quy định này cho thấy, Tokyo ngày càng quan ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong các ngành công nghiệp như quốc phòng, với nguy cơ rò rỉ thông tin mật cũng như chảy máu chất xám.

Danh sách 518 công ty này thuộc các lĩnh vực thiết yếu như vũ khí, hàng không, dầu mỏ, đường sắt, tiện ích, vũ khí, năng lượng hạt nhân, viễn thông và an ninh mạng.

Từ ngày 8/5 quy định mới có hiệu lực, theo đó các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần chiếm từ 1% trở lên đối với các doanh nghiệp Nhật Bản thuộc các lĩnh vực thiết yếu trên sẽ bị sàng lọc trước khi có thể sở hữu cổ phần.  Một số trường hợp ngoại lệ thì có thể sở hữu cổ phần nhưng không tham gia vào quá trình điều hành hay quản lý  doanh nghiệp.

Bộ Tài chính Nhật Bản cũng có kế hoạch đưa ngành sản xuất thiết bị y tế và dược phẩm vào danh sách thiết yếu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lây lan trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Tài chính, ông Taro Aso, cho biết, cần phải bảo vệ các sáng chế và công nghệ vì mục đích an ninh quốc gia. Việc áp dụng các quy định chặt chẽ nhiều khả năng nhắm tới các nhà đầu tư Trung Quốc khi dòng vốn của quốc gia vào Nhật Bản tăng nhanh trong thời gian gần đây khi tài sản các doanh nghiệp Nhật Bản bị giảm đi do tác động của dịch bệnh.

Không chỉ bị Nhật Bản cảnh giác, Trung Quốc còn bị nhiều quốc gia châu Á cạnh tranh trong việc mời gọi các công ty, tập đoàn lớn đến đầu tư. Theo tờ Bloomberg, chính phủ Thủ tướng Nerandra Modi trong tháng 4 đã liên hệ với hơn 1.000 công ty Mỹ để mời gọi họ rời Trung Quốc sang đầu tư tại Ấn Độ.

Một công nhân trong phân xưởng tại Ấn Độ (ảnh: shutterstock.com)

Để thu hút doanh nghiệp Mỹ, phía Ấn Độ đặt ra nhiều chính sách ưu đãi đặc thù. New Delhi ưu tiên các nhà sản xuất trang thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, dệt may, da và linh kiện ôtô. Tổng cộng có 550 loại mặt hàng sản xuất được thảo luận.

Hiện các biện pháp mời gọi của Ấn Độ đang được đánh giá là “thuận lợi, theo đúng tiến trình”. Nó cũng phù hợp khi lúc này ông Trump liên tục tuyên bố Trung Quốc cần chịu trách nhiệm về đại dịch và khuyến khích doanh nghiệp Mỹ rút khỏi quốc gia này để sang định cư tại những nước thân thiện hơn.