Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 23/5 đã công bố một kế hoạch kinh tế được cho là nhằm “chống lại Trung Quốc”. Động thái này lập tức thu hút phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh.

Vào buổi chiều 23/5 tại Nhật Bản, ông Biden đã công bố một hiệp ước thương mại cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á.

Hiệp ước này được gọi là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF). Dự kiến khuôn khổ này sẽ giúp Mỹ và các nước châu Á hợp tác chặt chẽ hơn về chuỗi cung ứng, thương mại kỹ thuật số, năng lượng sạch, bảo vệ người lao động và các nỗ lực chống tham nhũng.

Theo CNN, đây là “kế hoạch kinh tế của ông Biden nhằm chống lại Trung Quốc ở châu Á”.

“Mỹ, Nhật cùng với 11 quốc gia khác sẽ khởi động” khuôn khổ này, ông Biden tuyên bố trong chuyến công du Nhật Bản hôm 23/5.

Theo France24, IPEF có mục đích cung cấp cho các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương một giải pháp thay thế cho sự hiện diện thương mại ngày càng tăng của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã phản đối gay gắt thỏa thuận mà Washington đưa ra.

“Cái gọi là Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, về bản chất, là một chiến lược tạo ra sự chia rẽ, kích động đối đầu và phá hoại hòa bình”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố.

“Cho dù nó được bao bọc hay ngụy trang như thế nào, thì cuối cùng nó chắc chắn sẽ bị thất bại”, ông Vương Nghị nói.

Tại Tokyo, ông Biden bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với các kế hoạch tăng cường phòng thủ của Nhật Bản nhằm chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên và Trung Quốc.

“Tôi hoan nghênh quyết tâm tăng cường quốc phòng của Nhật Bản. Một Nhật Bản mạnh mẽ và một liên minh Nhật-Mỹ mạnh mẽ là một lực lượng hoạt động vì những điều tốt đẹp trên thế giới”, ông Biden nói.

Ngày mai (24/5), ông Biden dự kiến sẽ có cuộc họp với các nước đồng minh trong nhóm Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc). Ông Vương Nghị cho rằng cuộc họp này là “nhằm hình thành các nhóm nhỏ nhân danh tự do và cởi mở”, từ đó tìm cách “kiềm chế Trung Quốc” .