Quốc hội Pakistan hôm nay (10/4) đã bỏ phiếu lật đổ Thủ tướng Imran Khan, một nhân vật có nhiều chính sách “thân Trung Quốc”.

Reuters đưa tin, kết quả bỏ phiếu được công bố ngay trước 1 giờ sáng (giờ địa phương), sau một cuộc họp kéo dài 13 giờ đồng hồ với nhiều lần bị tạm dừng.

Kết quả bỏ phiếu cho thấy: Các đảng đối lập đã vận động được 174 phiếu trong tổng số 342 ghế trong Quốc hội. Như vậy, đa số phiếu đã bày tỏ bất tín nhiệm đối với ông Khan.

Chỉ có một số nhà lập pháp của đảng cầm quyền của ông Khan có mặt trong cuộc bỏ phiếu.

Ông Khan, 69 tuổi, đã bị lật đổ sau 3 năm rưỡi cầm quyền. Pakistan là quốc gia Nam Á với 220 triệu dân, và những năm qua ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Pakistan khủng hoảng chính trị vì nợ Trung Quốc

Theo Hindustan Times, Pakistan “đang phải đối mặt với bất ổn chính trị do nợ Trung Quốc”.

Với hơn 10% nợ nước ngoài của Pakistan là nợ Trung Quốc, quốc gia Hồi giáo đã phải nếm trái đắng vì rơi vào hỗn loạn chính trị với tất cả các thể chế dân chủ dễ bị tổn thương, theo Hindustan.

Ông Khan lên nắm quyền vào năm 2018 với sự ủng hộ của quân đội. Nhưng gần đây đảng của ông đã mất thế đa số trong nghị viện khi các đồng minh rời bỏ chính phủ liên minh của ông. Các nhà phân tích cho biết cũng có những dấu hiệu cho thấy ông Khan đã mất đi sự ủng hộ của quân đội.

Các đảng đối lập nói rằng ông Khan đã thất bại trong việc vực dậy nền kinh tế bị phá hủy bởi Covid-19. Ông Khan cũng không thực hiện được lời hứa đưa Pakistan trở thành một quốc gia thịnh vượng, không có tham nhũng và được tôn trọng trên trường thế giới.

“Về mặt quản trị, chính phủ đã hoàn toàn thất bại”, theo thượng nghị sĩ Anwaar ul Haq Kakar thuộc Đảng Awami Balochistan (BAP), một đồng minh đã rút lui ủng hộ ông Khan vào cuối tháng 3.

“Đã có sự bất mãn trong hai năm qua”, ông Kakar nói với Al Jazeera.

Trung Quốc nghe ngóng tình hình Pakistan

Lãnh đạo phe đối lập Shehbaz Sharif cho biết việc ông Khan bị lật đổ là cơ hội cho một khởi đầu mới.

“Một bình minh mới đã bắt đầu … Liên minh này sẽ xây dựng lại Pakistan”, ông Sharif, 70 tuổi, phát biểu tại Quốc hội.

Phải đến tháng 8 năm 2023 mới đến kỳ bầu cử. Tuy nhiên, phe đối lập cho biết họ muốn tổ chức bầu cử sớm.

Al Jazeera đưa tin, Hạ viện Pakistan sẽ họp bàn vào ngày mai (11/4) để bỏ phiếu bầu thủ tướng mới.

Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) loan tin rằng sự xáo động chính trị tại Pakistan là do Mỹ thực hiện nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Theo Nikkei, Bắc Kinh đang nghe ngóng xem ai sẽ trở thành lãnh đạo mới của Pakistan; và hi vọng rằng chính phủ mới sẽ tiếp tục duy trì các dự án Vành đai – Con đường với Trung Quốc.