Phả Lại, đối với tôi, không chỉ là nơi làm việc mà là một phần của cuộc đời. Nơi đó ghi dấu những ngày thanh xuân tràn đầy nhiệt huyết, những con đường công trường đầy nắng gió, những bữa cơm đơn giản nhưng ấm áp tình người, và những con người mộc mạc, chân thành.

1. Phả Lại – Mảnh đất của những hoài bão

Phả Lại, vùng đất nằm bên dòng Lục Đầu Giang huyền thoại; nơi sáu con sông hội tụ, là chứng nhân của biết bao bước chân của những con người trẻ tuổi; mang trong mình khát vọng xây dựng tương lai. Tháng 7 năm 1982; khi đoàn chúng tôi từ trường về đây, ai nấy đều tràn đầy háo hức, nhiệt huyết và hoài bão của tuổi thanh xuân.

2. Nhà máy nhiệt điện Phả Lại – Khởi đầu của một thời kỳ

Ngày ấy, nhà máy điện Phả Lại chỉ mới là một công trường rộng lớn; với ống khói chỉ cao khoảng 50 mét, chưa vươn mình mạnh mẽ như bây giờ. Đường xá nhỏ hẹp, đất đai đầy vật liệu xây dựng. Dù vậy, tất cả chúng tôi; những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi, vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ, coi đó là lý tưởng để phấn đấu. Đứng giữa công trường; hít thở không khí hòa quyện giữa mùi xi măng, sắt thép và khói bụi, lòng tôi tràn đầy niềm tự hào.

3. Những ngày đầu tiên và kỷ niệm đáng nhớ

Con đường 18 ngày ấy vẫn chạy trong khu Phao Sơn-Bình Giang. Mãi đến năm 1994; con đường mới được chuyển ra ngoài để nhường chỗ cho sự phát triển của nhà máy. Những ai từng gắn bó với Phả Lại từ thuở sơ khai đều hiểu rằng; sự thay đổi ấy không chỉ là sự chuyển dịch của một con đường; mà còn là dấu mốc trưởng thành của một nơi mà nhiều người đã đổ mồ hôi, công sức để xây dựng.

Cuộc sống ngày đầu còn nhiều khó khăn, nhưng cũng ngập tràn niềm vui giản dị. Dòng sông Lục Đầu lúc đó trong lành, cá tôm phong phú. Mỗi chiều sau giờ làm việc, chúng tôi thường cùng nhau ra sông tắm mát, dùng lưới màn bắt cá. Những con tôm, con cua, con hến rẻ đến mức bữa cơm nào cũng đầy ắp. Tôi còn nhớ những buổi tối, anh em công nhân tụ tập bên bờ sông, vừa ăn hến, vừa trò chuyện, cười đùa. Dù bao năm tháng đã qua, những ký ức ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí tôi.

Qua quá trình phát triển, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho khu vực miền Bắc ( Ảnh: Đức Thi/ Tin360)

4. Sự phát triển của nhà máy và những thách thức mới

Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại là một trong những nhà máy nhiệt điện lớn và quan trọng của Việt Nam. Được xây dựng vào cuối những năm 1970 với sự hỗ trợ của Liên Xô, giai đoạn đầu của nhà máy; Phả Lại 1, được khởi công vào năm 1980 và hoàn thành vào năm 1986, với công suất 440 MW và bốn tổ máy.

Sau thành công của Phả Lại 1; dự án mở rộng Phả Lại 2 được triển khai vào năm 1998 với công nghệ hiện đại hơn. Đến năm 2002, Phả Lại 2 đi vào hoạt động với hai tổ máy, nâng tổng công suất của nhà máy lên 1.040 M; trở thành nhà máy nhiệt điện than lớn nhất Việt Nam vào thời điểm đó.

Qua quá trình phát triển, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, việc sử dụng than làm nhiên liệu chính cũng đặt ra nhiều thách thức về môi trường. Hiện nay, nhà máy đã áp dụng các công nghệ xử lý khí thải và tro xỉ nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Với vai trò chiến lược trong ngành điện lực; Phả Lại tiếp tục là mắt xích quan trọng trong hệ thống năng lượng quốc gia.

5. Tình cảm gắn bó với Phả Lại

Nhà máy điện Phả Lại được xây dựng tại đây không phải là ngẫu nhiên. Vị trí này có hệ thống giao thông đường thủy thuận lợi; giúp vận chuyển hàng triệu tấn nhiên liệu mỗi năm. Sau hơn 30 năm làm việc tại đây; tôi đã chứng kiến biết bao thế hệ công nhân đến và đi. Khi còn trẻ, chúng tôi miệt mài làm việc và cống hiến hết mình. Khi nghỉ hưu, có người về quê, có người theo con cái; nhưng cũng có những người như tôi, chọn ở lại với Phả Lại. Người ta hỏi tại sao không về Hải Dương, không về quê hương, tôi chỉ mỉm cười. Bởi Phả Lại đã trở thành nhà, nơi con người giản dị, chân thành, không bon chen, không xô bồ. Hơn ba mươi năm gắn bó, làm sao có thể rời xa?

6. Những thay đổi qua thời gian và kỷ niệm không thể quên

Ngày xưa, lực lượng công nhân của nhà máy lên đến hơn 1.500 người. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và sự tự động hóa; số lượng công nhân đã giảm xuống rất nhiều. Những người đồng nghiệp cùng tôi ngày ấy giờ đã nghỉ hưu; người còn ở lại, người đã rời đi, để lại những ký ức đẹp về một thời tuổi trẻ.

Giờ đây, sông Lục Đầu không còn trong lành như trước, cá tôm cũng chẳng còn phong phú. Dòng sông nuôi sống bao thế hệ giờ đây phải gánh chịu chất thải từ nhiều nhà máy phía thượng nguồn. Không còn những buổi chiều thả lưới, không còn những bữa cơm đầy ắp hến tươi. Dù vậy, Phả Lại vẫn đẹp theo cách riêng của nó, vẫn là nơi tôi chọn ở lại đến cuối đời.

7. Ký ức và tình yêu với Phả Lại

Mỗi mùa xuân, hội Côn Sơn – Kiếp Bạc lại rộn ràng, nhắc tôi nhớ về những ngày xưa cũ. Dòng sông Thái Bình vẫn chảy, chứng kiến bao đổi thay của vùng đất này. Những công nhân trẻ ngày xưa giờ đây đã già; nhưng trong lòng vẫn còn nguyên vẹn ký ức về một thời tuổi trẻ.

Phả Lại, với tôi, không chỉ là nơi làm việc, mà là cả một chặng đường đời. Là những ngày thanh xuân đầy nhiệt huyết; là những con đường công trường ngập nắng gió, là những bữa cơm đơn sơ nhưng đầm ấm; là những con người giản dị mà chân thành. Dù thời gian có trôi đi, dù mọi thứ có thay đổi, tôi vẫn ở lại, gắn bó với mảnh đất này như một phần không thể thiếu trong cuộc đời mình.