Phải chăng virus Covid-19 đưa ra luật chơi với nhân loại?
Chuyện gì đang xảy ra với nhân loại? Đó là Covid-19, Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, hết thảy đều nói đến Covid-19, ở Hàn Quốc, bạn phải có mã QR mới vào được các cửa hàng, quán ăn. Tại Indonesia, gia đình nạn nhân Covid-19 đã cướp xác người thân về mai táng. Ấn Độ có hơn 400 triệu người dân đang rơi vào cảnh khốn cùng. Thụy Điển tuyệt vọng trước mùa cao điểm du lịch. Đó là một số quốc gia điển hình bị Covid-19 áp đặt tình trạng lên đời sống hàng ngày.
Nội dung chính
Hàn Quốc: QR code là giấy thông hành
Với mục tiêu ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19, Hàn Quốc liên tục đưa ra các biện pháp nhằm khống chế virus Covid-19. Kể từ tuần trước, toàn dân Hàn Quốc phải sử dụng mã vạch QR như là giấy thông hành khi một bất cứ ai muốn vào các quán nước, tụ điểm giải trí hay một cửa hàng ăn uống. Qua mã vạch này, các thông tin, dữ liệu cá nhân của người đó sẽ được chủ nhân của gần 80.000 cửa hàng lưu trữ lại.
Theo thông tin từ một tạp chí quốc tế, ký giả có tên là Louis Palligiano cho biết kể từ tuần trước, các khách hàng vào hộp đêm, quán karaoke, quán bar theo kiểu Hàn Quốc phải tải mã vạch QR code thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Trước khi vào cửa thì khách hàng phải quét mã vạch này.
Tất cả thông tin, dữ liệu cá nhân của khách hàng được lưu trữ vào một danh bạ và các giới chức y tế có thể liên lạc với những người đã đến địa điểm đó khi cần. Ngoài ra, chính quyền Hàn Quốc đã sử dụng hệ thống định vị qua điện thoại thông minh và truy vết khi khách hàng sử dụng thẻ tín dụng hoặc camera giám sát.
Ban đầu chính quyền Hàn Quốc có đối sách linh hoạt đối với những khách hàng không sử dụng thành thạo mã QR code hay từ chối thực hiện, chủ quán sẽ phải ghi chép lại đầy đủ các thông tin trên sổ sách. Đội ngũ thanh tra của chính phủ sẽ được điều tới để kiểm tra các chủ cửa hàng có tuân thủ nghiêm chỉnh yêu cầu này không. Nếu phát hiện việc thiếu tuân thủ thì các chủ cửa hàng này có thể phải tạm đóng cửa hoặc bị phạt khoảng 2.500 USD.
Người dân Hàn Quốc lo ngại là dữ liệu cá nhân bị đánh cắp và thất thoát nhưng chính quyền Seoul đã trấn an người dân rằng toàn bộ những thông tin cá nhân này sẽ được hủy khi đẩy lùi được đại dịch và những thông tin thu thập được quản lý chặt chẽ trong khuôn khổ pháp luật.
Indonesia: Nạn cướp người chết vì Covid-19 trong bệnh viện
Tính đến ngày 18/06/2020, Indonesia có trên 43.000 ca nhiễm và hơn 2.300 ca tử vong. Trong các quốc gia Đông Nam Á, Indonesia có số ca nhiễm cao nhất và đang phải đối mặt với nạn cướp xác bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện.
Trong tuần qua, 33 người đã bị cảnh sát Indonesia bắt giữ do đột nhập vào nhà xác và cướp thi thể của thân nhân về để an táng theo phong tục truyền thống của đạo Hồi như tắm rửa và thay quần áo để rửa sạch bụi trần.
Hiện tại nhiều bệnh viện ở Indonesia xảy ra tình trạng xác của bệnh nhân chết vì Covid-19 bị người nhà đột nhập vào bệnh viện để trộm mang về, họ không muốn bệnh viên đem thiêu huỷ xác người thân của họ. Nhiều vụ cướp xác thi thể người chết đã xảy ra ở một số thành phố lớn như thủ đô Jakarta, Surabaya, Makassa. Theo luật pháp Indonesia, những người tham gia cướp thi thể có thể bị lãnh án 7 năm tù giam, đây là mức án phạt không hề nhẹ nhưng tình trạng trộm cướp thi thể tại các bệnh viện vẫn đang diễn ra.
Ấn Độ: 400 triệu dân có nguy cơ lâm vào cảnh nghèo khó
Tính đến ngày 18/06, Ấn Độ có số ca lây nhiễm cao thứ tư trên thế giới với hơn 380.000 ca nhiễm. Thảm cảnh đối với quốc gia này là sau hơn 2 tháng phong tỏa và áp dụng các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh nhưng số người nhiễm bệnh cũng không giảm nhiều. Kinh tế Ấn Độ hiện vẫn điêu đứng sau một tháng dỡ bỏ hầu hết các quy định giãn cách xã hội.
Theo thông tin một tạp chí quốc tế ở thủ đô New Delhi, dịch bệnh chủ yếu hoành hành ở các thành phố lớn. Đầu tháng 5 các nhà máy tại các khu công nghiệp cách xa các thành phố đã hoạt động trở lại và từ giữa tháng 5, các lệnh phong tỏa được dần được dỡ bỏ, người dân đã gần như tự do đi lại. Có đến hơn 6 triệu lao động không có việc làm ở thành phố đã tìm tới các khu công nghiệp để kiếm sống mỗi ngày. Tiếc thay đây chính là con đường ma virus Covid-19 thông qua đó để xâm nhập vào các khu vực mà tới nay còn tương đối an toàn.
Chính phủ Ấn Độ cam kết sẽ bơm thêm 250 tỷ đô la hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên, kế hoạch này chủ yếu nhằm giảm thuế cho doanh nghiệp, trong khi đó giới tiểu thương là những người buôn bán nhỏ chiếm số đông ở quốc gia này lại không được trợ giúp từ chính phủ.
Covid-19 đã chặn đứng đà tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ, khiến quốc gia này lần đầu tiên rơi vào suy thoái kể từ hơn 4 thập niên qua. Theo tổ chức Lao động quốc tế, Covid-19 có thể đẩy hơn 400 triệu người dân Ấn Độ có thu nhập bấp bênh vào cảnh khốn cùng.
Thụy Điển: chào tạm biệt với mùa du lịch 2020
Thuỵ Điển là một quốc gia nằm trong khu vực châu Âu nhưng hiện vẫn phải đối phó với tình trạng coronavirus lây lan. Thuỵ Điển bị tổn thất nặng nề, đã có 5000 người chết vì Covid-19 trong tổng số 10 triệu dân, tỷ lệ tử vong này được đánh giá là “cao nhất trên thế giới” đối với một quốc gia. Con số tử vong này khiến người dân thế giới phát sợ, hiện chính phủ Thuỵ điển đã cho phép người dân được đi lại trong nước nhưng hoạt động du lịch từ khách người ngoài đã liên tục giảm mạnh. Theo phóng sự của một nhà báo có tên Anissa El Jabri, các hoạt động du lịch của Thụy Điển giảm đến 90% trong mùa du lịch 2020.Bình thường đây là đỉnh điểm mùa du lịch tại thủ đô Stockholm và các khu vực gần biển. Tuy nhiên, năm nay thì tình trạng bất ngờ đã xảy ra, các du lịch nổi tiếng này vẫn bình yên như bất kỳ thành phố nhỏ nào của Thụy Điển, đường phố vắng tanh, chỉ có vài người tản bộ và tận hưởng ánh nắng mặt trời. Ngành du lịch của quốc gia này đã thực sự đầu hàng, mùa du lịch năm nay ở Thuỵ Điển coi như vỡ trận.