Các phòng khám tư nhân với chiêu thức mạo danh các bác sĩ của bệnh viện sản khoa lớn như bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương…, lôi kéo nhiều người bệnh đến điều trị, theo Tuổi trẻ.

Chiêu trò mạo danh của phòng khám Trung Quốc

Theo Tuổi Trẻ, các phòng khám, trong đó có phòng khám Trung Quốc, đã mạo danh bác sĩ các bệnh viện sản phụ khoa lớn để lôi kéo người bệnh, khiến họ tiền mất tật mang.

Các cơ sở này từng được các ngành chức năng gọi là “phòng khám Trung Quốc” do ban đầu là người Trung Quốc quản lý điều hành phía sau. Vì nhiều lần bị báo chí phản ánh về tình trạng lôi kéo, moi tiền người bệnh, nên chúng có nhiều thay đổi về phương thức hoạt động.

Từ việc bác sĩ người Trung Quốc trực tiếp thăm khám bệnh, đến nay theo ghi nhận tại các phòng khám này đa phần là do nhân viên y tế người Việt thăm khám, điều trị. Quản lý các phòng khám này cũng do người Việt và họ dùng nhiều bác sĩ đứng tên phụ trách chuyên môn. Nhưng thực tế bác sĩ phụ trách chuyên môn đôi khi chỉ là “cây cảnh”, họ ít khi xuất hiện tại đây.

Mạo danh bác sĩ bệnh viện lớn quảng cáo ồ ạt trên Facebook

Tờ Tuổi trẻ cho biết chỉ cần gõ các từ khóa như “khám thai”, “điều trị hiếm muộn”, “điều trị yếu sinh lý”…, hàng loạt quảng cáo hiện lên với các cam kết “uy tín, hàng đầu, tốt nhất”. Chúng đều có điểm chung là lôi kéo người bệnh đến các phòng khám Trung Quốc.

Trên một trang Facebook mạo danh bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, một người tự giới thiệu là “bác sĩ Thanh Nga – chuyên sản phụ khoa của Bệnh viện Từ Dũ”. Người này còn giới thiệu nhiều “đồng nghiệp” đang công tác tại Bệnh viện Từ Dũ sẽ trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân tại Phòng khám đa khoa Hồng Phong (quận 5).

Tuy nhiên, khi bệnh nhân đến nơi lại không gặp được “bác sĩ Nga” như giới thiệu, mà thay vào đó là “bác sĩ” khác cũng được giới thiệu là đến từ Bệnh viện Từ Dũ.

Các bệnh viện lớn nói gì?

Tờ Tuổi trẻ dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Từ Dũ xác nhận thực trạng mạo danh bệnh viện và các bác sĩ của bệnh viện nhằm lôi kéo bệnh nhân của các phòng khám khá phổ biến.

Bệnh viện này cũng cảnh báo các tổng đài với đầu số “1900” không phải số tổng đài của bệnh viện, khiến nhiều bệnh nhân bị mất cước gấp hàng chục lần so với gọi đến tổng đài thật (theo báo Người lao động).

Trước đó, liên quan đến trường hợp thai phụ tử vong sau khi đến phòng khám Hồng Phong (Quận 5) và được tư vấn bởi một người giới thiệu là “bác sĩ Hồng, trưởng khoa Bệnh viện Hùng Vương”, Bệnh viện Hùng Vương cũng xác nhận không có bác sĩ nào như thế, theo Tuổi trẻ

Ngoài mạo danh bác sĩ còn có hiện tượng mạo danh cả trang web của bệnh viện để lôi kéo người bệnh.