Tàu Mỹ bị từ chối cập cảng Solomon: Báo động về ‘ác ma’ Trung Quốc
Việc Solomon từ chối cho tàu Mỹ ghé thăm gần đây làm dấy lên nghi ngờ về ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương.
Epoch Times đưa tin, tàu Cảnh sát biển Hoa Kỳ Oliver Henry đã cố gắng liên hệ để ghé thăm cảng biển của Quần đảo Solomon. Nhưng họ được “chào đón bằng sự im lặng”, khiến thủy thủ đoàn phải chuyển hướng sang cảng biển của Papua New Guinea.
Sự việc xảy ra sau khi tàu Oliver Henry tham gia Chiến dịch Island Chief, cùng với các tàu của Úc, New Zealand và Vương quốc Anh, một chiến dịch nhằm giám sát và ngăn chặn các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp ở Nam Thái Bình Dương.
Sau khi chiến dịch kết thúc vào ngày 16/8, tàu Cảnh sát biển Hoa Kỳ theo kế hoạch sẽ dừng chân tại Guadalcanal của Quần đảo Solomon, để tiếp nhiên liệu và nhu yếu phẩm.
Tuy nhiên, chính quyền Solomon đã không phản hồi lại lời đề nghị qua sóng radio của tàu cảnh sát Mỹ.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh ngày càng có lo ngại về ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong khu vực và sự suy yếu của thể chế dân chủ ở Solomons.
Chỉ 2 ngày sau đó, vào ngày 18/8, chính phủ Solomon đã ký kết một thỏa thuận lớn với công ty viễn thông Trung Quốc Huawei nhằm xây dựng 161 tháp di động ở quần đảo với khoản vay 448,9 triệu nhân dân tệ (66,15 triệu USD) từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc. Thủ tướng Manasseh Sogavare dường như không quan tâm tới những lời cảnh báo rằng Bắc Kinh dùng các khoản vay như một hình thức “bẫy nợ” đối với các quốc gia tiếp nhận.
Sự bất bình của người dân với chính quyền Sogavare đã dâng lên. Nhưng ông Sogavare đã có động thái ngăn cản người dân dùng lá phiếu để hạ bệ ông. Mới đây, vào ngày 8/8, chính quyền của ông đã đệ trình một quy định mới nhằm trì hoãn các cuộc bầu cử quốc gia. Theo ET, một số chuyên gia cho rằng động thái này có thể là một phương cách giúp thủ tướng Sogavare tránh thất bại trong trường hợp diễn ra bầu cử.
Quan hệ giữa chính phủ Sogavare và Bắc Kinh đã thu hút sự chú ý sau khi có tin tức rò rỉ cho biết, Solomon đã ký kết một hiệp ước an ninh đáng lo ngại với Bắc Kinh. Theo hiệp ước này, Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đưa vũ khí, quân đội và tàu hải quân Trung Quốc tới Solomon. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc có quyền hiện diện quân sự ngay sát Australia, New Zealand và lãnh thổ Guam của Mỹ.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marsha Blackburn (Đảng Cộng hòa, bang Tennessee) gần đây đã gặp gỡ Thủ tướng Sogavare và các nhà lãnh đạo khác trong khu vực. Bà kêu gọi các nước “chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Bà Blackburn cảnh báo rằng các nước “bất hảo” gồm Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên là “Trục Ác ma mới”; và chúng đang bành trướng ảnh hưởng trên thế giới.
Bà nói: “Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là biên giới tiếp theo cho Trục Ác ma Mới”.
“Gặp gỡ các nhà lãnh đạo từ Fiji, Quần đảo Solomon và Papua New Guinea là một bước quan trọng trong việc thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực và mở rộng các mối quan hệ chiến lược của chúng tôi”, bà Blackburn cho biết.
Có thể bạn quan tâm: