Một tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ đã tiến vào Vịnh Guantanamo, Cuba, để phô trương sức mạnh trong khi một hạm đội tàu chiến của Nga tập trung cho cuộc tập trận quân sự theo kế hoạch ở vùng Caribe.

Bộ Tư lệnh miền Nam Mỹ thông báo USS Helena, một tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân, đã tiến vào vùng biển gần căn cứ của Mỹ ở Cuba hôm 13/6.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, lực lượng này cho biết việc triển khai tàu ngầm USS Helena là một phần trong “chuyến thăm cảng định kỳ” khi tàu ngầm đi qua khu vực của Bộ Tư lệnh Miền Nam.

Động thái trên diễn ra chỉ một ngày sau khi một tàu hộ vệ, một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, một tàu chở dầu và một tàu kéo cứu hộ của Nga đã vượt qua Vịnh Havana sau cuộc tập trận ở Đại Tây Dương.

Tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan của Nga hôm 12/6 đã cập cảng Havana của Cuba sau khi tiến hành huấn luyện “vũ khí tên lửa có độ chính xác cao” ở Đại Tây Dương.

Quân đội Cuba cho biết chuyến thăm của đội tàu Nga “tuân thủ nghiêm ngặt” quy định quốc tế. Bộ Ngoại giao Cuba khẳng định các tàu không mang theo vũ khí hạt nhân, do đó chuyến thăm cảng Havana “không phải mối đe dọa đối với khu vực”.

Tuy nhiên, khi tàu ngầm hạt nhân và một trong những hộ vệ hạm hiện đại nhất của Nga hiện diện tại vùng biển chỉ cách mũi Florida của Mỹ khoảng 145 km, nhiều chuyên gia cho rằng đây là thông điệp mạnh mà Nga đang gửi tới Mỹ.

Rebekah Koffler, nhà phân tích tình báo chiến lược và từng là quan chức cấp cao trong cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ, cho rằng động thái của Moskva là lời cảnh báo đối với Tổng thống Joe Biden, sau khi lãnh đạo Nhà Trắng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tập kích vào lãnh thổ Nga.

Theo Koffler, với quyết định triển khai đội tàu chiến hiện đại tới Cuba, quốc gia ở ngay sát Mỹ, Tổng thống Putin đang nói với Washington rằng “chúng tôi có thể chạm tới vị trí của các vị”.

Koffler nói: “Ông Putin muốn tới gần lãnh thổ Mỹ vào thời điểm xung đột Nga – Ukraine đang leo thang nghiêm trọng, sau khi ông Biden nới hạn chế cho Kiev”, đồng thời cho biết thêm rằng động thái này sẽ góp phần răn đe Mỹ, ngăn Washington cho Kiev dùng vũ khí tầm xa tấn công mục tiêu quan trọng tại các thành phố lớn trên lãnh thổ Nga.

Benjamin Gedan, giám đốc chương trình Mỹ Latin tại Trung tâm Wilson ở Washington cho biết: “Các chiến hạm là lời nhắc nhở Washington rằng sẽ thật khó chịu khi đối thủ hiện diện ở quốc gia gần kề bạn. Nó cũng nhắc nhở những người bạn của Nga trong khu vực rằng Moskva đứng về phía họ”.

Giới quan sát cho rằng việc tàu chiến Nga xuất hiện ở Havana vào thời điểm xung đột Ukraine leo thang nhắc nhớ tới cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Liên Xô khi đó đã gửi tên lửa đạn đạo tới Cuba nhằm đáp trả việc Mỹ triển khai tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ, đẩy quan hệ giữa hai siêu cường tới khủng hoảng nghiêm trọng, tiến sát bờ vực chiến tranh hạt nhân.

Vladimir Rouvinski, phó giáo sư khoa nghiên cứu chính trị thuộc Đại học Icesi ở Colombia, cho rằng hình ảnh tàu ngầm hạt nhân Nga xuất hiện ở Cuba giúp chứng minh rằng các nỗ lực của Mỹ nhằm giảm bớt hiện diện của Moskva ở mọi nơi, đặc biệt là Mỹ Latin, “đều không hiệu quả”.

Rouvinski nói: “Chúng ta cũng phải thấy rằng Nga không muốn từ bỏ Mỹ Latin, ngay cả khi quân đội nước này đang bị cuốn vào xung đột ở Ukraine”.

Trong khi đó, Trung tá Mỹ đã nghỉ hưu Daniel Davis nói trên Nation News rằng, Hoa Kỳ nên giúp giảm leo thang xung đột ở Ukraine sau khi Nga gửi tàu ngầm hạt nhân Kazan tới cảng Havana.

Trả lời câu hỏi về những gì Hoa Kỳ nên làm liên quan đến việc gửi tàu Hải quân Nga tới Cuba, chuyên gia cho biết : “Bước đi tốt nhất hiện nay đối với chúng ta là giảm leo thang xung đột. Hãy đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán, chứ không làm lan rộng xung đột và làm tăng nguy cơ tấn công bên ngoài khu vực chiến đấu”.

Davis cho biết Washington không có thông tin về việc liệu có vũ khí hạt nhân trên tàu ngầm hay không. Như viên chức này lưu ý, bất kỳ tính toán sai lầm và hiểu lầm nào giữa Hoa Kỳ và Nga giờ đây có thể dẫn đến căng thẳng hơn nữa trong quan hệ song phương.