Tin 22/5: Thị trường châu Á biến động trước cuộc hội đàm của Biden; Ông Medvedev bàn gì khi tới Việt Nam?
Thị trường châu Á biến động trái chiều từ sáng thứ Hai trước cuộc hội đàm giữa Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ nhằm ngăn chặn một vụ vỡ nợ thảm khốc với nền kinh tế lớn nhất thế giới, France-Presse (AFP) đưa tin ngày 22/5.
Nội dung chính
Châu Á mất phương hướng
Trở về từ hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, ông Biden sẽ gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy của Đảng Cộng hòa tại Nhà Trắng với lời cảnh báo rằng chính phủ nước này có thể cạn tiền sớm nhất là vào ngày 1/6.
Trong khi được dư luận dành nhiều kỳ vọng rằng một thỏa thuận được 2 bên thông qua, Biden khẳng định ông sẽ không nhượng bộ các yêu cầu cắt giảm chi tiêu chính phủ của các đối thủ chính trị, mà ông cho rằng “không thể chấp nhận được một cách trắng trợn”.
“Đã đến lúc phía bên kia từ bỏ quan điểm cực đoan của họ,” TT Mỹ nói.
Ngược lại, McCarthy nói rằng quan điểm của ông vẫn không thay đổi, ông viết trên Twitter:
“Washington không thể tiếp tục tiêu số tiền mà chúng ta không có để gây thiệt hại cho con cháu chúng ta.”
Các cuộc đàm phán bế tắc khiến đà tăng của chứng khoán Phố Wall chững lại vào thứ Sáu tuần trước.
Mọi thứ diễn ra tốt hơn một chút với châu Á vào thứ Hai tuần này, mặc dù thị trường chững lại khi các nhà đầu tư chờ đợi những dấu hiệu thỏa hiệp chắc chắn từ Washington. Hồng Kông và Thượng Hải đi lên cùng với Tokyo và Seoul. Nhưng Sydney, Singapore, Đài Bắc, Manila, Jakarta và Wellington đang rơi xuống.
Stephen Innes – thành viên công ty tư vấn SPI Asset Management nói với AFP : “Có khả năng một thỏa thuận đầy đủ sẽ được hoàn thành trước đầu tháng 6, nhưng thời điểm rất khó dự đoán”.
Ông Medvedev bàn gì khi tới Việt Nam?
Nga sẵn sàng thảo luận với Việt Nam về việc sử dụng đồng tiền quốc gia trong thương mại, khả năng thanh toán dịch vụ và rút tiền mặt bằng thẻ Mir, Ban thư ký của Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, người đã đến Hà Nội bắt đầu chuyến thăm hôm 22/5, cho biết.
Bên cạnh đó, các cuộc hội đàm mà ông Medvedev sẽ tiến hành với lãnh đạo Việt Nam dự kiến sẽ dành sự chú ý đặc biệt tới việc nối lại giao thông hàng không trực tiếp thường xuyên giữa Nga và Việt Nam. Đặc biệt theo kế hoạch, từ ngày 4/6 sẽ mở đường bay Irkutsk-Hà Nội do hãng hàng không IrAero khai thác, theo tờ Sputnik.
Hợp đồng thành lập Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại tỉnh Đồng Nai ở Việt Nam cungx có thể được ký kết giữa Rosatom và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam vào tháng 6. Phía Nga đề xuất thực hiện việc này đúng vào dịp khánh thành tượng đài kỷ niệm một trăm năm ngày ông Hồ Chí Minh đến St. Peterburg.
Áo kêu gọi EU tiếp tục đối thoại với Nga, như “Mỹ đang làm”
Chính quyền Áo duy trì một kênh liên lạc không chính thức với Nga và ủng hộ việc tiếp tục đối thoại với Moscow, “như Hoa Kỳ vẫn làm”, bất chấp cuộc xung đột Ukraine đang diễn ra. Điều đó đã được Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn đăng ngày 22 tháng 5 với tờ Die Welt.
“Phương Tây phải tiếp tục đối thoại với Nga, giống như chính phủ Mỹ đang làm,” TASS dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg
Ông lưu ý rằng để tiếp tục đàm phán với Liên bang Nga, cần sử dụng các diễn đàn quốc tế, chẳng hạn như Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu và Liên hợp quốc. Trong việc này, bộ trưởng nhận thấy “trách nhiệm toàn cầu” của các nước phương Tây.
Schallenberg nhấn mạnh rằng Vienna tiếp tục liên lạc với Moscow thông qua các kênh không chính thức.”Nga không biến mất khỏi bản đồ và là nước láng giềng địa lý lớn nhất của EU; họ cũng là cường quốc hạt nhân lớn nhất hành tinh”, Ngoại trưởng Áo nói.
Tổng thống Brazil nói về cuộc gặp bất thành với ông Zelensky
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nói rằng Vladimir Zelensky đã không xuất hiện trong cuộc gặp dự kiến với ông, được tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima. Phát biểu của nhà lãnh đạo Brazil được truyền qua cổng G1,
Trước đó, Financial Times đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thuyết phục Lulu da Silva gặp Zelensky tại hội nghị thượng đỉnh.
“Một cuộc gặp song phương với Ukraine đã được lên kế hoạch tại hội trường này. Chúng tôi đã chờ đợi và nhận được thông tin rằng họ đã bị trì hoãn. Trong lúc đó, tôi đã tiếp Thủ tướng Việt Nam. Khi Thủ tướng Việt Nam rời đi, Ukraine không xuất hiện. Ông ấy chắc chắn đã có một cuộc gặp khác… Tôi không thất vọng, tôi rất buồn vì tôi muốn gặp ông ấy… Zelensky là một người trưởng thành và biết mình đang làm gì,” Lula cho biết.
Trước đó, Tổng thống Brazil cho rằng Mỹ và châu Âu nên bắt đầu thảo luận về việc đạt được một giải pháp cho vấn đề Ukraine và không khuyến khích xung đột. Chính trị gia này khuyên các quốc gia không dấn sâu vào cuộc chiến, nên có trách nhiệm thúc đẩy các cuộc đàm phán về một giải pháp, cũng như cung cấp cho Nga “những điều kiện tối thiểu” để chấm dứt cuộc xung đột này.
Ngoài ra, Lula da Silva đề nghị tạo ra một định dạng tương tự như G20 để thảo luận về tình hình ở Ukraine.