Lời kêu gọi ngừng bắn kéo dài một tháng của Ukraina và các cường quốc châu Âu không chỉ là nỗ lực tìm kiếm hòa bình trước tình hình leo thang xung đột, mà còn là bước đi chiến lược nhằm tập hợp lại sức mạnh tập thể của phương Tây, gia tăng áp lực ngoại giao lên Moskva và mở đường cho một cấu trúc hỗ trợ an ninh bền vững cho Ukraina.

Trump ký sắc lệnh trao “tiền thưởng hồi hương” cho người nhập cư trái phép trong chương trình tự hồi hương đầu tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu (10/5) đã ký một sắc lệnh hành pháp thành lập chương trình tự hồi hương đầu tiên, khuyến khích người nhập cư trái phép tự nguyện rời khỏi nước Mỹ bằng các chuyến bay miễn phí và nhận thêm một khoản tiền mặt.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết đầu tuần này rằng những người tham gia sẽ được cấp khoản hỗ trợ 1.000 USD/người nếu đồng ý rời khỏi nước Mỹ.

Chương trình mới có tên là “Dự án Hồi Hương” (Project Homecoming), cho phép chính phủ tài trợ các chuyến bay về nước và trao tiền mặt cho những người sẵn sàng tự hồi hương.

Trong một đoạn video đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump công bố việc ký sắc lệnh và cho biết chương trình này sẽ giúp người nộp thuế Mỹ “tiết kiệm hàng tỷ, hàng tỷ đô la”.

Lãnh đạo châu Âu và Ukraina kêu gọi Nga ngừng bắn một tháng

Ngày 10/5 tại Kiev, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cùng nguyên thủ của Pháp, Đức, Anh và Ba Lan đã đồng loạt kêu gọi Nga thực hiện lệnh ngừng bắn toàn diện trong 30 ngày, bắt đầu từ thứ Hai tới. Đề xuất được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Ukraina với sự tham gia của các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó Tổng thống Pháp Macron cho biết Mỹ sẽ giám sát tiến trình ngừng bắn, với sự hỗ trợ từ châu Âu.

Sau cuộc họp, Tổng thống Zelensky và các đối tác châu Âu đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump để thúc đẩy sáng kiến hòa bình. Trong tuyên bố chung, nhóm lãnh đạo châu Âu cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự và tăng sức ép với Moskva cho đến khi đạt được ngừng bắn lâu dài. Ngoài ra, họ cũng dự kiến họp trực tuyến với các quốc gia thuộc “liên minh tình nguyện” nhằm xây dựng một khối hỗ trợ an ninh toàn diện cho Ukraina trong tương lai.

Trên hành trình đến Kiev, Tổng thống Macron nhấn mạnh nhu cầu tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Ukraina và Nga. Cùng lúc, ông Trump cũng lên tiếng kêu gọi Nga chấp nhận lệnh ngừng bắn vô điều kiện, đồng thời cảnh báo sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu Moskva không tuân thủ. Thủ tướng Đức Friedrich Merz cũng thể hiện lập trường tương tự trong cuộc phỏng vấn với báo chí Đức.

Phía Nga, thông qua phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, tuyên bố chỉ chấp nhận ngừng chiến nếu phương Tây dừng viện trợ vũ khí cho Ukraina.

Trump công bố thỏa thuận ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan

Ngày 10/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo trên mạng xã hội Truth Social rằng Ấn Độ và Pakistan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức sau các cuộc đàm phán kéo dài, với vai trò trung gian của Mỹ. Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar xác nhận thông tin trên mạng X, trong khi phía Ấn Độ cho biết thỏa thuận được đạt được thông qua các cuộc thương lượng trực tiếp giữa hai bên.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết ông cùng Phó Tổng thống JD Vance đã tham gia điều phối nỗ lực đàm phán với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif. Trước đó, Washington từng kêu gọi hai quốc gia thiết lập đường dây liên lạc để ngăn ngừa xung đột leo thang mất kiểm soát.

Ngay sau khi thông báo được đưa ra, Cục Hàng không Dân dụng Pakistan tuyên bố mở lại toàn bộ không phận, vốn được đóng do căng thẳng leo thang. Trước đó, hai bên đã tiến hành các đòn tấn công qua lại, bao gồm việc Pakistan dùng drone tấn công khu vực đông bắc Ấn Độ và phía Ấn Độ đáp trả bằng tên lửa nhắm vào nhiều sân bay, trong đó có một sân bay gần thủ đô Islamabad.

Trong những ngày căng thẳng trước thỏa thuận, chính phủ Ấn Độ đã chuẩn bị cho khả năng chiến tranh kéo dài. Nhiều khu dân cư tại các bang giáp Pakistan như Kashmir, Punjab và Rajasthan đã được sơ tán. Hơn 20 sân bay và toàn bộ trường học tại một số khu vực bị đóng cửa, người dân được hướng dẫn thực hiện các bài diễn tập ứng phó khẩn cấp.

Cùng với đó, các sự kiện thể thao lớn như giải cricket quốc gia cũng bị đình hoãn, khơi dậy tinh thần đoàn kết trên cả nước. Chính phủ Ấn Độ nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cả đảng cầm quyền lẫn đối lập. Tuy nhiên, truyền thông bị kiểm soát nghiêm ngặt với hàng nghìn tài khoản mạng xã hội bị chặn và một số trang báo bị đình chỉ vì bị cho là gây bất lợi cho an ninh quốc gia.

Lãnh đạo châu Âu và Ukraina kêu gọi Nga ngừng bắn một tháng; Một khu phố bị Pakistan tấn công tại Rehari, Jammu, Ấn Độ ngày 10/10/2025; Trump ký sắc lệnh trao “tiền thưởng hồi hương” cho người nhập cư trái phép trong chương trình tự hồi hương đầu tiên; Triều Tiên xác nhận tham chiến cùng Nga tại Kursk, ông Kim Jong-un khẳng định hành động là chính đáng (Ánh ghép: Internet)

Triều Tiên xác nhận tham chiến cùng Nga tại Kursk, ông Kim Jong-un khẳng định hành động là chính đáng

Tối 9/5 tại Bình Nhưỡng, Đại sứ Nga tại Triều Tiên cho biết Tổng thống Putin cảm ơn sự hỗ trợ của Bình Nhưỡng và ca ngợi tinh thần chiến đấu của binh sĩ Triều Tiên trong chiến dịch Kursk. Đây là lần đầu Nga công khai xác nhận vai trò của quân đội Triều Tiên trong chiến dịch này.

Tổng tham mưu trưởng Nga và Quân ủy Trung ương Triều Tiên đều xác nhận sự tham gia của các đơn vị từ Bình Nhưỡng, khẳng định họ đã chiến đấu quả cảm và góp phần vào chiến thắng trước Ukraina.

Ông Kim Jong-un gọi việc điều quân tới Kursk là “hành động hợp pháp, đúng với hiệp ước phòng thủ chung” và là biểu hiện của “liên minh chiến đấu không thể lay chuyển”. Ông cảnh báo Triều Tiên sẵn sàng dùng vũ lực nếu Mỹ tiếp tục hành động thù địch chống lại Nga.

Quan hệ Nga – Triều gần đây gia tăng gắn bó, đặc biệt sau khi hai nước ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện hồi tháng 6/2024.

Mêhicô khởi kiện Google vì đổi tên Vịnh Mêhicô thành “Vịnh Mỹ” theo yêu cầu của Tổng thống Trump

Ngày 9/5/2025, Tổng thống Mêhicô Claudia Sheinbaum tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng chính phủ nước này đã chính thức nộp đơn khiếu nại nhằm phản đối việc Google đổi tên “Vịnh Mêhicô” thành “Vịnh Mỹ” trên các nền tảng bản đồ và dịch vụ liên quan.

Động thái này được đưa ra sau khi Hạ viện Mỹ, vào ngày 8/5, phê chuẩn đề xuất đổi tên do Tổng thống Donald Trump đề xuất trước đó. Phía Mêhicô coi quyết định này là hành vi đơn phương, xâm phạm lịch sử, danh xưng địa lý và chủ quyền quốc gia.

Chính phủ Mêhicô yêu cầu Google khôi phục tên gọi gốc của khu vực biển nằm giữa Mêhicô và Hoa Kỳ, đồng thời cảnh báo rằng việc tiếp tục sử dụng tên gọi mới có thể gây tổn hại đến quan hệ ngoại giao song phương và làm dấy lên phản ứng mạnh từ dư luận khu vực Mỹ Latinh.

Theo: RFI, Foxnews